Đảng bộ huyện Bác Ái: Tập trung nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên

(NTO) Đảng bộ huyện Bác Ái có tổng số 893 đảng viên (ĐV), trong đó có 541 ĐV người dân tộc thiểu số. Do đặc thù của một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp nên những năm qua Huyện ủy Bác Ái đã tập trung lãnh đạo nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, ĐV, góp phần tạo chuyển biến ở nhiều tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ).

Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Bác Ái, trong số 470 CB, công chức xã (đạt 93,8% so với định biên) có 18 người có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng và 110 người có trình độ chuyên môn trung cấp; ngoài ra ở 9 xã trong huyện đều có đội ngũ trí thức trẻ về tham gia công tác. Để tăng cường sinh lực cho Đảng bộ và hệ thống chính trị, Bác Ái luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CB, ĐV về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay về trình độ học vấn đã có 80,63% CB xã hết bậc THCS và đã thực hiện chuẩn hóa 216 CB (trong đó có 128 CB đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ).

 
Một góc trung tâm huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên

Toàn Đảng bộ đang tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đánh giá CB, đáp ứng cơ bản tốt nguồn CB trẻ, CB dân tộc thiểu số, CB nữ để bố trí các chức danh lãnh đạo và cấp ủy huyện. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhờ nâng một bước chất lượng đội ngũ CB, ĐV nên năm qua Đảng bộ huyện Bác Ái đã tạo được chuyển biến quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở, thể hiện rõ qua việc hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và kết nạp ĐV mới.

Đảng bộ huyện Bác Ái hiện có 38 TCCSĐ, tăng thêm 5 TCCSĐ so với năm 2007, bao gồm 11 đảng bộ và 27 chi bộ cơ sở, trong đó có 9 đảng bộ xã với 63 chi bộ trực thuộc. Kết quả phân loại cuối năm 2011 có 5 TCCSĐ xã đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; 4 TCCSĐ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 36 chi bộ trực thuộc TCCSĐ xã đạt trong sạch, vững mạnh. Theo đồng chí Mẫu Thái Phương, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bác Ái, tuy số TCCSĐ xã trong sạch, vững mạnh chưa nhiều nhưng toàn Đảng bộ đã không còn TCCSĐ xã yếu kém. Hoạt động của các TCCSĐ ở xã đã có sự khởi động mới, phát huy được vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo CB, ĐV và nhân dân thực hiện có kết quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương. Đối với công tác luân chuyển CB, theo đánh giá của Huyện ủy Bác Ái, trong những năm qua CB trẻ được luân chuyển đã phát huy tác dụng tích cực, vừa được đào tạo thực tiễn, vừa giúp cơ sở khắc phục sự hẫng hụt CB, góp phần xây dựng đội ngũ CB chủ chốt, lãnh đạo quản lý lâu dài cho hệ thống chính trị các xã.

Tuy nhiên theo đồng chí Kiều Như Bổn, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, đến thời điểm này dù chất lượng đội ngũ CB, ĐV có nâng lên thì thực tế vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của huyện trong giai đoạn mới. Chất lượng nội dung sinh hoạt các chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã chưa phong phú lại không duy trì đều; nhiều nơi tính chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật của ĐV chưa cao. Nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của TCCSĐ ở nông thôn miền núi, Huyện ủy Bác Ái đề ra giải pháp tập trung nâng chất lượng đội ngũ CB cơ sở, khắc phục tình trạng sinh hoạt ghép và chăm lo kết nạp ĐV mới. Cụ thể là khắc phục tình trạng chi bộ thôn ghép, ở các Đảng bộ xã đều tổ chức được chi bộ trường học, trạm Y tế và hằng năm có trên 95% ĐV hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 60% ĐV hoàn thành tốt nhiệm vụ; 80% TCCSĐ trong sạch vững mạnh (trong đó có 5 đảng bộ xã), không có TCCSĐ yếu kém, toàn huyện kết nạp ít nhất từ 55-60 ĐV mới.

Theo ghi nhận của chúng tôi, để thực hiện mục tiêu trên, Huyện ủy Bác Ái cần tập trung vào công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ CB xã, đồng thời có kế hoạch nâng chất lượng đội ngũ ĐV và tăng cường kết nạp ĐV mới bảo đảm chất lượng. Trước thực trạng công tác xây dựng Đảng ở địa phương, rõ ràng chỉ có chú trọng lãnh đạo nâng chất lượng đội ngũ CB, ĐV, Đảng bộ huyện Bác Ái mới có thể từng bước nâng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ lên ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.