Ngân hàng Nhà nước công bố con số nợ xấu

Chiều 12/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin tình hình nợ xấu và các biện pháp xử lý. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh thanh tra cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN cho biết, tính tới cuối tháng 5 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hơn 202.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo NHNN là nợ xấu hơn 118.000 tỷ đồng.

Tại sao có sự khác nhau về thống kê nợ xấu?

Lý giải nguyên nhân, tại sao có thống kê nợ xấu vào thời điểm tháng 5 là 4,47%, có số liệu lại là trên 10%, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, nguyên nhân của sự chênh lệch này là tiêu chí định tính trong quy định phân loại nợ hiện nay, có những tiêu chí về định lượng (là tuổi nợ) và định tính khả năng trả nợ khách hàng.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, con số 4,47% đến 31/5 năm 2012 là con số nợ xấu các TCTD báo cáo qua hệ thống thống kê. Còn qua hệ thống giám sát từ xa của NHNN, cụ thể 31/3/2012 con số nợ xấu qua hệ thống giám sát là 8,6%.

Do đó thậm chí có cùng bảng cân đối với số liệu như nhau đối với các khoản vay, nhưng các TCTD đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vẫn khác nhau.

Theo NHNN, nếu khách hàng có khoản vay tại nhiều TCTD thì buộc TCTD phải phân loại nợ vào nhóm có rủi ro cao hơn. Thực tế, có bộ phận không nhỏ các TCTD cố ý phân loại nợ trong trích lập dự phòng rủi ro, không phân loại đầy đủ theo Quyết định 493 về quy định về Phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng để “làm đẹp” các báo cáo tài chính.

Khi đánh giá, NHNN bám sát quy định về phân loại nợ, đồng thời thu thập thông tin khách hàng.

Theo ông Nghĩa, con số một số tổ chức quốc tế (ví dụ như Fitch Ratings) đưa ra là nợ xấu trên trên 13% cũng cần phải xem xét lại thận trọng về cách thức phân loại và mẫu chọn điều tra.

Như đã biết, hiện nay hệ thống phân loại nợ xấu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thành 5 nhóm: Không vấn đề; Chú ý đặc biệt; Dưới chuẩn; Nghi ngờ; và Mất vốn là hệ thống phân loại nợ xấu được sử dụng rộng rãi nhất. Trong một số trường hợp khác, người ta sẽ áp dụng hệ thống báo cáo kép theo vừa theo chủ trương chính sách trong nước, vừa theo phương pháp phân loại của BIS.

Nợ xấu được định nghĩa là các khoản cho vay rơi vào 3 nhóm cuối cùng trong hệ thống phân loại 5 nhóm nói trên của BIS.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, theo một số tổ chức quốc tế, toàn bộ nợ quá hạn (bao gồm nợ nhóm 2 đến nợ nhóm 5) đều là nợ xấu. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, không hẳn nợ quá hạn là là nợ xấu, vì vẫn có nhiều khách hàng gặp khó khăn tạm thời nhưng không có nghĩa là mất khả năng chi trả.

Giải thích về việc cập nhật con số nợ xấu tương đối chậm, ông Nghĩa cho biết, theo quy định các TCTD, định kỳ báo cáo hàng quý, tuy nhiên thường trễ 1,5 tháng và NHNN phải xử lý dữ liệu khoảng 2 tháng mới đưa ra được con số.

Dự phòng cho nợ xấu được bảo đảm

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho biết, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật đối với các khoản nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để khẩn trương thu hồi vốn, tạo ra thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Theo ông Nghĩa, nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu rơi vào các lĩnh vực về sản xuất và công nghiệp xây dựng, bất động sản (BĐS) và chứng khoán, vốn chịu nhiều tác động từ khó khăn của nền kinh tế.

Tính đến cuối tháng 5 dư nợ cho vay BĐS là 197.000 tỷ đồng, với 12.000 tỷ đồng nợ xấu tương đương 6,5%. Đối với lĩnh vực chứng khoán, con số nợ xấu cũng là 485 tỷ đồng trên tổng dư nợ 12.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo báo cáo của các ngân hàng 84% số nợ xấu có tài sản bảo đảm, có giá trị bằng 135% so với nợ xấu. Nếu xét riêng tỷ lệ giá trị tài sản đảm bảo trên nợ xấu BĐS là 180%, đây là tỷ lệ khá cao.

Bản thân các TCTD đã trích lập là trên 67.000 tỷ đồng dự phòng cho các khoản nợ xấu, do đó, ông Nghĩa cho rằng không nên quá lo ngại vấn đề nợ xấu.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu nhóm 5 (có khả năng mất vốn), chiếm đến 40% khoản nợ xấu theo báo cáo của các TCTD, ông Nghĩa cho biết nhóm nợ cũng đã được trích lập dự phòng rủi ro tương đối đầy đủ theo quy định NHNN và có tài sản đảm bảo tương đối cao.

Về vấn đề các TCTD vi phạm quy định trích lập dự phòng rủi ro, ông Nguyễn Hữu Nghĩa thừa nhận có hiện tượng này. Trong điều kiện bình thường, NHNN chỉ có số liệu thông qua hệ thống báo cáo thống kê, việc phát hiện vi phạm về phân loại nợ, chỉ có được qua các đoàn thanh tra tại chỗ. Trong khi hiện nay có hơn 100 TCTD, do đó, trong 1 năm khó có thể thanh tra hàng loạt các TCTD, phát hiện, xử lý triệt để vi phạm quy định về phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro.

Không phụ thuộc vào công ty mua bán nợ xấu

Trong khi chủ trương thành lập công ty mua bán nợ xấu đang dừng ở mức độ nghiên cứu thì đại diện NHNN khẳng định cần triển khai nhiều biện pháp khác nhau để xử lý rốt ráo vấn đề nợ xấu.

Cụ thể, NHNN đã có những chính sách về lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp tích cực, tiếp cận vốn, góp phần giảm gánh nặng nợ xấu đè nặng lên các TCTD. Đồng thời, các TCTD phải chủ động phối hợp kế hoạch đánh giá, rà soát lại, giãn nợ, cơ cấu lại các khoản nợ cho phù hợp điều kiện thực tế, giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, có nguồn trả nợ cho tương lai.

Biện pháp căn cơ, phải làm ngay là tích cực đẩy mạnh xử lý nợ xấu, xử lý các tài sản đảm bảo, thu hồi vốn cho các TCTD, tạo ra thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện quy định về phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro, tạo nền tảng cho các TCTD thực hiện cấp tín dụng an toàn lành mạnh cho nền kinh tế. Dự kiến, tháng 8, Thống đốc NHNN sẽ ban hành Thông tư mới phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro, hoàn thiện quy chế cho vay phù hợp thực tiễn hoạt động ngân hàng hiện nay.

Thừa nhận vai trò cơ quan thanh tra giám sát vừa qua trong cảnh báo rủi ro, đầu tư tín dụng và lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa thật sự hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định sẽ tăng cường thanh kiểm tra, phân loại nợ, buộc các TCTD ghi nhận đầy đủ các khoản nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đồng thời cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn với ngân hàng, giúp các TCTD phòng ngừa rủi ro gián tiếp có thể xảy ra. Đồng thời, thúc đẩy quá trình mua bán nợ các TCTD và các tổ chức, cá nhân khác, giúp cơ cấu lại nợ, bán tài sản không sinh lời tạo ra nguồn tiền mặt cho nền kinh tế.

NHNN cũng đang tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu khách hàng, xác định ghi nhận chất lượng tín dụng thực tế của các TCTD, từ đó buộc các TCTD điều chỉnh số liệu tại các tổ chức tín dụng theo kết quả giám sát của NHNN; xây dựng thông tư về giám sát rủi ro tín dụng, có tác dụng tích cực thực hiện quy định giảm thiểu rủi ro.

Nguồn www.chinhphu.vn