Liên Hợp Quốc kêu gọi các chính phủ tăng năng suất lao động để góp phần bảo đảm an ninh lương thực

Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc, ngày 11-7, LHQ công bố một bản báo cáo mới, trong đó nhấn mạnh nhu cầu lương thực trên thế giới ngày càng cao do nhiều nguyên nhân như mức tăng dân số, tình trạng định cư ở các thành phố lớn và những nhân tố khác, vì vậy chính phủ các nước cần phải áp dụng nhiều biện pháp để tăng năng suất lao động. Báo cáo cũng cảnh báo nếu không tăng các nguồn cung cấp, chắc chắn giá lương thực sẽ tăng cao trong những năm tới.

Bản báo cáo, nhan đề: "Triển vọng Nông nghiệp" do Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) phối hợp với Tổ chức Lương Nông của LHQ (FAO) đồng soạn thảo, cho biết nhu cầu lương thực cao hơn sẽ được đáp ứng bằng các nguồn cung cấp với chi phí cao hơn trên thị trường. Do diện tích đất nông nghiệp trên thế giới tăng không đáng kể trong thập kỷ tới, năng suất lao động ở các quốc gia cần được thúc đẩy để tạo ra nhiều lương thực hơn nữa. Báo cáo dự kiến sản lượng nông nghiệp trên thế giới sẽ chỉ tăng trung bình hàng năm khoảng 1,7% trong 10 năm tới, từ đó tăng sức ép nguồn cung cấp, môi trường và đẩy giá lương thực cao hơn. Giá lương thực cao sẽ gây khó khăn rất lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt hàng triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói.

Báo cáo chỉ rõ, để giải quyết bài toán lương thực trên thế giới, tất cả các quốc gia cần nỗ lực gấp đôi để giảm bớt số người nghèo đói. Mỗi quốc gia, đặc biệt các nước đang phát triển và những người sản xuất nhỏ, phải chú trọng tăng năng suất lao động ngày càng bền vững. Các chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách khuyến khích hoạt động nông nghiệp tốt hơn, tạo môi trường pháp lý, kỹ thuật và thương mại đúng đắn, tăng cường chế độ đổi mới nông nghiệp để thúc đẩy năng suất lao động và khả năng bền vững, đồng thời nhận thức vai trò của khu vực tư nhân trong nông nghiệp trong tương lai. Báo cáo cũng cho rằng các nước đang phát triển cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp ở các vùng nông thôn nhằm phát triển các hệ thống kho bãi, giao thông vận tải, tưới tiêu, điện khí hóa, thông tin liên lạc. Ngoài ra, đầu tư về con người, chi tiêu công hợp lý cho y tế, giáo dục và huấn luyện cũng góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động và khả năng bền vững trong nông nghiệp.

Theo TTXVN