Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội

Phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Theo đó, nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2012, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

 
100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được
tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. - Ảnh minh họa

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 3%/tổng dư nợ; đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ;...

Phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.

Đối tượng phục vụ là người nghèo, đối tượng chính sách

Chiến lược xác định rõ đối tượng phục vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội là người nghèo, các đối tượng chính sách khác theo quy định của Nhà nước và các đối tượng được các tổ chức, cá nhân ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội trực tiếp cho vay; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các vùng khó khăn.

Nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu do Nhà nước cấp, do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động và nhận ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm".

Tăng cường hoạt động các điểm giao dịch lưu động ở xã, phường

Chiến lược xác định yêu cầu về công tác quản trị của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, cần hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, điều hành ở 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện theo hướng tập trung sự quản lý thống nhất ở Trung ương, tinh giản các khâu trung gian và tăng cường hoạt động tại các điểm giao dịch lưu động ở xã, phường.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với sự tham gia chỉ đạo, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tăng cường vai trò của chính quyền cấp xã.

Được biết, tính đến 31/5/2012, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 107.262 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 34%, với gần 6,9 triệu khách hàng còn dư nợ, tăng hơn 4 triệu khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao. Dư nợ bình quân từ 2,5 triệu đồng/hộ (năm 2003) đã tăng 8,9 triệu đồng (thời điểm tháng 5/2012), với hơn 11,4 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn.
Nguồn www.chinhphu.vn