Hiệp ước ASEAN không có vũ khí hạt nhân – công cụ đảm bảo hòa bình

Chiều ngày 8/7 tại Phnom Penh, Campuchia đã diễn ra Hội nghị của Ủy ban Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Hội nghị thường niên của các nước tham gia Hiệp ước này.

 Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị.

Hội nghị đã tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động tăng cường triển khai Hiệp ước SEANWFZ (2007-2012). Các Bộ trưởng hoan nghênh các kết quả quan trọng đã đạt được trên 4 lĩnh vực chính, trong đó có việc hoàn tất đàm phán với các nước có vũ khí hạt nhân về việc các nước này tham gia Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ; tăng cường hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); đưa nội dung an toàn hạt nhân vào trong hợp tác giữa ASEAN với một số đối tác như Nga, Mỹ, Nhật, cũng như với một số khu vực phi vũ khí hạt nhân khác trên thế giới; phối hợp đề cao vai trò, đóng góp của SEANWFZ tại các tổ chức, diễn đàn đa phương về an ninh, an toàn hạt nhân và LHQ.

Các nước cũng hoan nghênh việc Việt Nam tham gia Công ước về An toàn hạt nhân năm 2010, Indonessia phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 2011, Campuchia tham gia Công ước về Thông báo sớm sự cố hạt nhân và về An toàn hạt nhân năm 2010.

Các Bộ trưởng nhất trí trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện, ASEAN sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động đến năm 2017.

Các Bộ trưởng đề cao SEANWFZ là một trong các công cụ quan trọng của ASEAN đóng góp vào bảo đảm hòa bình, an ninh và phi vũ khí hạt nhân ở khu vực.

Để tăng cường hiệu lực của SEANWFZ, trong nhiều năm qua, ASEAN đã tiến hành tham vấn để các nước có VKHN tham gia Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ nhằm thể hiện cam kết tôn trọng của các nước này đối với Hiệp ước.

Sau quá trình chủ động thúc đẩy, ASEAN và các nước có vũ khí hạt nhân đã cơ bản hoàn tất quá trình đàm phán và thương lượng về việc này; tiếp tục tham vấn, tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết khác để các nước có vũ khí hạt nhân có thể tham gia Nghị định thư của Hiệp ước.

Các Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục phát huy giá trị của SEANWFZ, cùng với các công cụ hợp tác chính trị-an ninh khác của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)…, nhằm đóng góp nhiều hơn vào các mục tiêu chung của ASEAN, vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Cũng trong ngày 8/7, các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN và Trung Quốc đã họp không chính thức để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ngày 11/7.

Với việc ASEAN đã cơ bản hoàn tất tài liệu quan điểm về các thành tố chính của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và coi đây là văn bản cơ sở để ASEAN trao đổi với Trung Quốc, các quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc nhất trí kiến nghị các Bộ trưởng Ngoại giao hai bên sẽ xem xét và quyết định việc khởi động đàm phán ASEAN-Trung Quốc về COC./.

Nguồn www.chinhphu.vn