Ấn Độ: Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết theo luật quốc tế

Lời nhắc nhở của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị cho là đã chống lại việc giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật quốc tế.

Trước những căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại biển Đông, ngày 6/7, Ấn Độ khẳng định, Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của nước này và các tranh chấp phải được giải quyết hòa bình theo luật quốc tế.

Theo hãng tin PTI, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae cũng lưu ý một nửa hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Ấn Độ hiện đi qua biển Đông.

 
Theo Ấn Độ, những tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế (Ảnh minh họa)

“Vì thế, tranh chấp phải được giải quyết theo luật quốc tế. Biển Đông rất quan trọng và phải là nơi an toàn, an ninh cho các con tàu quốc tế, để không ảnh hưởng đến vấn đề xuất nhập khẩu”- ông Rae phát biểu với một đoàn nhà báo Ấn Độ.

Lời nhắc nhở của Ấn Độ về nhu cầu tôn trọng luật quốc tế được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị cho là đã chống lại việc giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật quốc tế, mà nhấn mạnh đến phương thức đàm phán song phương với các nước, hình thức cho phép Bắc Kinh dễ dàng gây áp lực.

Bất chấp những sự phản đối phi lý của Trung Quốc, Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận mở rộng và thúc đẩy thăm dò dầu khí ở biển Đông với Việt Nam.

Chỉ ra mối quan hệ lịch sử giữa Ấn Độ và Việt Nam, ông Rae cho rằng, Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Ấn Độ (ONGC) đã được chính phủ Việt Nam cho phép thăm dò trong khu vực vào năm 1988 và hoạt động khai thác chỉ đơn thuần mang bản chất thương mại.

Kêu gọi các bên duy trì hiện trạng cho đến khi tranh chấp được giải quyết, ông Rae nói, các nước liên quan phải cố gắng bảo đảm hòa bình trong khu vực và tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

“Các công ty của chúng tôi đã hoạt động tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Đây không phải là điều mới mẻ. Đó là hoạt đông thương mại giữa các công ty Ấn Độ và Việt Nam và tôi không nghĩ chúng có bất kỳ ý nghĩa chính trị nào”- hãng PTI dẫn lời Đại sứ Rae.

Ông Rae cũng nhận xét quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ. “Đó là một mối quan hệ sống động và thiết thực ngày càng phát triển và vững mạnh theo thời gian… Đây là một năm rất quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam. Chúng tôi chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược”, ông Rae nói.

Trong thời gian gần đây, vùng Biển Đông có dấu hiệu dậy sóng trở lại với việc Trung Quốc cho triển khai một hải đội gồm 4 chiếc tàu hải giám xuống tuần tra Biển Đông nhằm áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ.

Bắc Kinh còn gây căng thẳng với Manila về chủ quyền bãi Scarborough - nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines - cũng như đơn phương phân lô vùng thềm lục địa của Việt Nam rồi mời quốc tế đấu thầu.

Tất cả các động thái kể trên đều vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký kết, nhưng Bắc Kinh đã viện lý do lịch sử để khẳng định rằng họ có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông và liên tiếp có các động thái buộc các láng giềng phải chấp nhận đòi hỏi này.

Hành động mời thầu quốc tế của Trung Quốc đã bị Việt Nam cực lực phản đối, vì các lô dầu khí có liên can đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lô mà Trung Quốc hoạch định còn chồng lấn các lô đã từng được Việt Nam giao cho các tập đoàn nước ngoài như Exon của Mỹ, Gazprom của Nga, và lô 128 của tập đoàn Ấn Độ ONGC./.

Bích Lan (Nguồn VOV Online)