Cán bộ, công chức thực hành tiết kiệm nơi công sở

(NTO) Trong suốt cuộc đời và quá trình hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao đạo đức, tác phong của người cách mạng. Bốn đức tính mà Người xem là “gốc của đạo đức cách mạng” gồm: cần, kiệm, liêm và chính.

Trong cuộc họp các Ủy ban công sở ở Hà Nội vào năm 1946, Hồ Chủ tịch nói: “Để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em công chức, viên chức bây giờ phải có bốn đức tính là: cần, kiệm, liêm, chính. Cần, là anh em công chức, viên chức phải tận tâm làm việc; kiệm, phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được cũng như các vật liệu, đồ dùng trong các công sở,…Có cần, có kiệm mới trở nên liêm chính để cho người ngoài kính nể được”.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong bốn đức tính không thể thiếu được của một con người là phải biết tiết kiệm. Ngoài việc nhắc nhở, kêu gọi mọi người tiết kiệm, bản thân Người luôn tiết kiệm ở mọi lúc, mọi nơi. Tiết kiệm trở thành phương châm sống của Người. Tiết kiệm cũng trở thành chính sách hàng đầu của Nhà nước ta suốt trong những năm kháng chiến trường kỳ gian khổ. Khẩu hiệu “Tiết kiệm là quốc sách” cho đến hôm nay vẫn mang ý nghĩa tích cực lớn lao cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 12-2005, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xem là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, cần tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, triệt để thực hành tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm của công. Việc thực hành tiết kiệm không thể có hiệu quả nếu mỗi cá nhân không tự ý thức, tự giác tiết kiệm. Và càng không thể tiết kiệm một cách hình thức, máy móc, rập khuôn, tưởng là tiết kiệm nhưng thực ra là lãng phí. Vấn đề thực hành tiết kiệm đang được các cơ quan, đơn vị quan tâm, đưa vào một trong những nội dung cơ bản của công tác thi đua. Tuy nhiên, không phải lúc nào mỗi cá nhân chúng ta cũng xác định rõ được rằng tiết kiệm cái gì? Tiết kiệm như thế nào cho đúng?... Ngẫm lại, thấy lời giải thích của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật giản dị mà cũng thật sâu xa: “Kiệm là phải tiết kiệm đồng tiền kiếm được cũng như các vật liệu, đồ dùng trong các công sở”. Trong môi trường công sở mà chúng ta đang sống và làm việc, chúng ta đã tiết kiệm được những gì? Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không nề hà, tiết kiệm từ một bữa ăn, từ một que diêm, đôi dép, tấm áo,… cho đến cả giấy tờ làm việc. Ngoài ý thức gương mẫu tiết kiệm trong sinh hoạt, công tác để mọi người noi theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem việc tiết kiệm như là một thói quen hàng ngày. Ngoài tiết kiệm về của cải vật chất, Người còn tiết kiệm thời gian, tiết kiệm sức lực, tiết kiệm ngôn từ, nói ít làm nhiều hoặc lời nói đi đôi với việc làm.

Trong khi tệ quan liêu, sách nhiễu, giấy tờ hiện nay đang cần được chấn chỉnh, thì việc học cách tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ nên bắt đầu từ việc học cách sử dụng giấy tờ như thế nào để không lãng phí. Vấn đề “giấy tờ” thực ra không đơn giản chỉ là “giấy”- một thứ văn phòng phẩm rất phổ biến và không hẳn là đắt so với các tài sản khác trong công sở thời hiện đại, nhưng điều quan trọng là, nếu ai đó không ý thức để tiết kiệm một thứ dễ tiết kiệm nhất như giấy, thì rất khó để có ý thức tiết kiệm những thứ khác. Bên cạnh đó, cùng với việc hạn chế giấy tờ, có thể sẽ là sự giản tiện hóa tối đa các thủ tục hành chính. Việc gì thực sự cần đến văn bản mới sử dụng đến văn bản. Từ đó có thể tiết kiệm được nhân lực, vật lực và cả thời gian. Thật cảm động khi được xem những lá thư, những bức điện của Hồ Chủ tịch trong những ngày cả nước ta bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Đây là những lá thư, những bức điện rất đặc biệt không chỉ về nội dung mà còn về hình thức của nó. Những mẩu giấy bé con con, viết tay hoặc đánh máy ngắn gọn và đầy ắp những thông tin. Có bản Hồ Chủ tịch đã viết trên cả hai mặt giấy, cách dòng rất nhỏ, tận dụng cả phần lề. Có thể vì điều kiện kháng chiến khó khăn, có thể vì tình huống cụ thể gấp gáp cần phải vậy, nhưng cũng có thể đơn giản hơn là bởi vì Bác luôn có tác phong giản dị, luôn biết tiết kiệm và luôn tận dụng triệt để thời gian, để có thể điều hành công việc một cách tốt nhất. Ngôn ngữ Người dùng cũng vậy, dù là thư hay lệnh, cũng vô cùng giản dị, súc tích, dễ hiểu, toát lên được tinh thần tự chủ và tình cảm chân thành.

Học tập Người, tại công sở của chúng ta, trước hết hãy biết nâng niu quý trọng, bảo vệ và tiết kiệm những gì nhỏ nhất như tờ giấy, cây bút, nhiều hơn một chút như điện, nước và các thiết bị văn phòng, lớn hơn nữa là thời gian, là trí tuệ và rất nhiều thứ khác…