Sức lan tỏa từ phong trào Lao động giỏi - Lao động sáng tạo

(NTO) Trong 5 năm qua, phong trào Lao động giỏi-Lao động sáng tạo (LĐG-LĐST) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai có hiệu quả.

Đã có hàng nghìn cán bộ quản lý, nhà khoa học, CN-LĐ có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đạt tay nghề giỏi... góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.Họ là những gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là những nhân tố điển hình, hạt nhân tích cực trong lao động, sản xuất trên nhiều lĩnh vực.

Sức lan toả rộng khắp

Phong trào thi đua LĐG-LĐST trong CNVC-LĐ được triển khai bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Các cấp công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong CNVC-LĐ, thông qua phong trào thi đua để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Điển hình như phong trào thi đua LĐG-LĐST trong khu vực sản xuất, kinh doanh, tập trung vào các nội dung: “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”. Hàng trăm công trình sản phẩm, sáng kiến, tiết kiệm... đã làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị, doanh nghiệp, tiêu biểu như: Sáng kiến “Lắp đặt van xả áp trên máy bơm nước 1.000 m3/giờ” làm lợi cho doanh nghiệp trên 150 triệu đồng của Trạm Thủy nông Ninh Hải; công trình “Đồng hồ điện tử sử dụng đa năng” của Công ty CP xuất khẩu Nông sản, làm tăng năng suất lao động gấp 4 lần so với phương pháp thủ công, tiết kiệm chi phí nhân công 300 triệu đồng/ tháng, làm hạ giá thành sản phẩm 15%; công trình “Cải tiến chuyền may từ dây chuyền lọc sang dây chuyền công nghệ LEAN dòng chảy một sản phẩm” của Công ty TNHH May Tiến Thuận, nhằm chuyên môn hóa từng bộ phận, làm tăng năng suất lao động từ 20% - 30% so với công nghệ cũ.

Công ty CP Mía đường Phan Rang thường xuyên phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến,
cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ảnh: Văn Miên

Trong khu vực hành chính sự nghiệp, phong trào thi đua LĐG-LĐST được cụ thể bằng các phong trào “Cải cách lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức công tâm, thạo việc”... đã thu hút và động viên cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị không ngừng đổi mới phương pháp làm việc, cải tiến thủ tục hành chính. Cho đến nay, hầu hết các sở, ban, ngành đã đầu tư xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000-2008 và triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Điển hình như lĩnh vực giáo dục– đào tạo, trong 5 năm qua, toàn ngành đã có 5.670 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tế, trong đó có 93 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ở cấp tỉnh, ngành; một số đề tài tiêu biểu đang phát huy tác dụng tích cực.

Đội ngũ cán bộ, công chức khối Đảng, Mặt trận và các đoàn thể không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường củng cố tổ chức, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, hội viên, theo tinh thần Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nhiều cán bộ, công chức luôn tích cực, nhiệt tình, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, đi sâu cơ sở, sát quần chúng, đưa đường lối, chủ trương của Đảng thâm nhập vào đời sống xã hội, góp phần làm tốt công tác vận động quần chúng của Đảng. Góp phần vào thành tựu chung của phong trào thi đua LĐG-LĐST tỉnh nhà còn có các binh chủng trên mặt trận tư tưởng văn hoá như các phóng viên báo chí, văn nghệ sĩ đang miệt mài lao động sáng tạo, nhằm tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước vào cuộc sống, kịp thời đưa những thông tin và hình ảnh chân thực tới nhân dân; phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân với Đảng và Nhà nước, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất,
nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Sơn Ngọc

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 10.104 lượt CNVC-LĐ có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó có 8.395 lượt CNVC-LĐ trực tiếp sản xuất, công tác chiếm trên 83%; 1.598 lượt cán bộ quản lý, chiếm gần 16%; 111 lượt cán bộ khoa học, chiếm gần 2%. Và có 7.562 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng thực tế có giá trị kinh tế, xã hội cao; trong đó 173 đề tài, sáng kiến, giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, ngành và 41 lượt người được tặng Bằng Lao động sáng tạo hàng năm.

Đổi mới phương pháp, cách thức triển khai

Có thể khẳng định, phong trào thi đua LĐG-LĐST đã khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ của lực lượng cán bộ khoa học-kỹ thuật, đội ngũ cán bộ quản lý và thu hút đông đảo CNVC-LĐ trong các ngành, nghề, các thành phần, kinh tế tham gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phong trào thi đua yêu nước. Từ phong trào thi đua LĐG-LĐST đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; những tấm gương lao động cần cù sáng tạo. Các sáng kiến, đề tài của cán bộ CNVC-LĐ đã được ứng dụng đem lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực quản lý, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo đồng bộ từ LĐLĐ tỉnh đến các CĐCS, sự quan tâm chỉ đạo của các

cấp uỷ Đảng, sự vào cuộc của các đơn vị luôn coi trọng công tác thi đua-khen thưởng. Đồng chí Trần Ngọc Luận, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Hàng năm, LĐLĐ tỉnh đã cụ thể hoá, đổi mới về phương pháp, cách thức triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ, trọng tâm là phong trào LĐG-LĐST, phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật - tiết kiệm” đã tạo sức lan toả mạnh mẽ trong CNVC-LĐ trong tỉnh, đem lại hiệu quả thiết thực, qua đó đã góp phần nâng cao trình độ, tay nghề, nhận thức của đội ngũ CN,VC-LĐ.

Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ phát động phong trào thi đua trong CNVC-LĐ với chủ đề “CNVC-LĐ thi đua học tập, LĐG-LĐST góp phần xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ theo hướng hiện đại”. Theo đó, nội dung và hành động cụ thể của CNVC-LĐ và tổ chức công đoàn là “Lao động sáng tạo, kỷ luật, đồng tâm, bảo vệ môi trường, văn minh, nhân ái”.

Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh:

Phát huy những thành tích đạt được của 5 năm (2007 – 2012), phong trào thi đua LĐG-LĐST trong CNVC-LĐ tỉnh giai đoạn 2012-2015 tập trung với một số nội dung như: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ về vai trò, ý nghĩa của phong trào thi đua LĐG-LĐST đối với sản xuất, kinh doanh và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của đơn vị, nhằm tạo được sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động. Đẩy mạnh phong trào thi đua LĐG-LĐST đến từng cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ, nhất là trong công nhân trực tiếp sản xuất và đội ngũ cán bộ khoa học, trong các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, các lĩnh vực công tác, các thành phần kinh tế, tạo thành phong trào rộng khắp với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh, công tác của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua LĐG-LĐST gắn với phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chú trọng sơ kết, tổng kết phong trào, phổ biến và trao đổi kinh nghiệm, áp dụng các đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giữa các đơn vị; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. Các cấp công đoàn cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, cơ quan chuyên môn, các ngành, các đoàn thể quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp tổ chức triển khai phát triển rộng khắp phong trào thi đua LĐG-LĐST...