Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XIII, sáng 1/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) và Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Pháp lệnh Dự trữ quốc gia được ban hành ngày 29/4/2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG. Tuy nhiên, qua 8 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Dự trữ quốc gia nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.Ảnh: Mạnh Hùng

Thứ nhất, mục tiêu của DTQG quy định tại Pháp lệnh DTQG còn thiếu mục tiêu phát sinh từ yêu cầu thực tiễn trong những năm gần đây, đó là sử dụng nguồn lực DTQG để góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ hai, Pháp lệnh DTQG mới chỉ quy định nguồn lực DTQG hình thành từ ngân sách Nhà nước; chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động DTQG như: xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kho chứa, cung ứng, bảo quản hàng hóa DTQG, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản.

Thứ ba, quy định về bố trí ngân sách chi cho DTQG còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm hoạt động DTQG và quy trình quản lý ngân sách, cụ thể: kinh phí mua tăng, mua bù hàng DTQG hàng năm được bố trí từ chi đầu tư phát triển nhưng không làm tăng cơ sở vật chất; toàn bộ quy trình cấp phát, sử dụng và quyết toán áp dụng giống như chi thường xuyên. Việc bố trí vốn mua hàng DTQG trong chi đầu tư phát triển chưa tạo được sự linh hoạt trong điều hành sử dụng ngân sách, thiếu sự liên kết đồng bộ giữa các khâu trong quy trình lập, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước.

Thứ tư, cơ chế quản lý, điều hành quỹ DTQG còn một số bất cập, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm.

Để đáp ứng những yêu cầu trên, cần phải đổi mới và thể hiện cơ chế quản lý DTQG bằng luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm cơ sở pháp lý trong quá trình áp dụng; luật hóa đầy đủ, đúng đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của Nhà nước về “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ nhà nước; xây dựng lực lượng dự trữ nhà nước vững mạnh với cơ cấu hợp lý, có khả năng chủ động tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai và những biến cố bất thường xảy ra.” [Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng]

Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng như: mục tiêu DTQG, các mặt hàng thuộc diện điều chỉnh trong DTQG; xã hội hóa trong DTQG...

Liên quan đến danh mục hàng hóa trong DTQG, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, quy định như trong dự án luật là chưa cụ thể, chưa sát với tình hình thực tế, do vậy hiệu quả mang lại của dự án luật sẽ không cao. Đại biểu Lê Đình Khanh (đoàn Hải Dương) đề nghị: Quy định danh mục hàng hóa này phải được thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có danh mục cụ thể. Đây là vấn đề rất quan trọng bởi quyết định không đúng thì sẽ gây tốn kém, lãng phí.

Theo quy định của dự thảo luật thì phạm vi hàng dự trữ quốc gia bao gồm các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu và tiền. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đặt ra câu hỏi là có nên dự trữ bằng tiền không và dự trữ ở mức độ nào. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị không nên quy định DTQG bằng tiền mà chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu. Một số đại biểu khác thì cho rằng, dự trữ bằng tiền là phù hợp vì mục tiêu của DTQG nhằm phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với những tình huống đặc biệt nghiêm trọng. Tiền trong những trường hợp này cũng chỉ để mua hàng hóa, vì chỉ hàng hóa mới có thể đáp ứng tính khẩn cấp, kịp thời và phù hợp với những tình huống này.

Về tổng mức đầu tư cho DTQG được tăng dần theo hàng năm, nhiều đại biểu đề nghị nội dung này cần xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định, bởi việc huy động nguồn lực là một vấn đề lớn. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị: Về tổng mức đầu tư ở điều 21, quy định tổng mức đầu tư được tăng dần hàng năm. Đây là một vấn đề mà theo tôi cần phải tính toán. Tăng dần tức năm nào cũng tăng và tăng đến bao giờ? Nguồn lực của chúng ta có cho phép năm nào cũng tăng?

Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, các nhóm vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là sửa đổi, bổ sung để đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế; hiện đại hóa phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực quản lý thuế; xử phạt người trốn thuế...

Theo đánh giá của nhiều đại biểu, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế chưa đáp ứng hết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Tình trạng trốn thuế, kê khai thuế không đúng với thực tế vẫn diễn ra. Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) nêu ví dụ về các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài vào làm ăn ở trong nước. Khi bắt đầu vào đầu tư, các doanh nghiệp này luôn được trải thảm đỏ, được hỗ trợ trong đầu tư, miễn giảm thuế một số năm đầu. Nhưng khi đã làm ăn có lãi thì công ty luôn báo lỗ vì số lãi đó đã được đơn vị chuyển về công ty mẹ. Đại biểu Đặng Thuần Phong phân tích: Các doanh nghiệp nhập nguyên liệu máy móc từ công ty mẹ về sản xuất ra rồi bán sản phẩm đi rồi cứ báo lỗ để chúng ta tiếp tục miễn giảm thuế, nhưng thực tế lãi thì về công ty mẹ. Như vậy, vấn đề rõ ràng là các doanh nghiệp FDI đã trốn thuế. Và, vấn đề hậu kiểm và xử lý gian lận ở đây nằm trong vai trò quản lý nhà nước về thuế. Đại biểu cho rằng, cần phải nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Đối với đối tượng kê khai sai, trốn và gian lận thuế, các đại biểu đề nghị cần tăng xử phạt từ 10% số tiền thuế kê khai, số tiền thuế được hoàn như trong dự thảo lên 20% để tăng tính răn đe trước tình trạng lẩn tránh, không tuân thủ quy định pháp luật.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam