Cần sớm tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai

Chiều 1/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
của Quốc hội năm 2013. (Ảnh: Mạnh Hùng)

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc Tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2011), Quốc hội đã thông qua được 05 luật, 04 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật và cho ý kiến 13 dự án luật khác. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2012), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đến thời điểm này, các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 2 và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội; 06 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 6 (tháng 4/2012);Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 03 dự án pháp lệnh và cho ý kiến 01 dự án pháp lệnh khác.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời gian qua Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tiếp tục có nhiều cố gắng với những bước cải tiến quan trọng trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như tiến độ chuẩn bị các dự án. Công tác xây dựng pháp luật ngày càng được chú trọng và đi vào chiều sâu; kịp thời đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cũng còn có những hạn chế. Cụ thể là vẫn còn tình trạng có dự án vừa mới được đưa vào Chương trình đã có đề nghị điều chỉnh tiến độ, ví dụ như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Luật đô thị... Một số cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo còn chậm triển khai việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; chưa thực hiện tốt việc tổng kết, khảo sát thực tiễn, phân tích chính sách, đánh giá tác động… để xây dựng dự thảo văn bản. Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo chưa dành thời gian hợp lý và chưa đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị dự án. Nội dung một số luật, pháp lệnh được ban hành vẫn còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì mới có thể thực hiện được, nhưng việc ban hành nhiều văn bản này không bảo đảm tiến độ. Đây là những bất cập đã tồn tại nhiều năm vẫn chưa được khắc phục, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, năm 2013 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá tình hình xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân, tồn tại; đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục.

 

Đại biểu thảo luận tại Hội trường (Ảnh: Mạnh Hùng)

Về nội dung điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất quan điểm cần sớm tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003 bởi đây là vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân; liên quan tới nhiều lĩnh vực, tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Tại Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Dự án Luật đất đai (sửa đổi) thuộc Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Đây là dự án đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước quan tâm. Việc sửa đổi Luật đất đai sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, bất cập hiện nay. Một số nội dung quan trọng của dự án như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về chính sách đất đai nên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian chuẩn bị.

Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), Luật Đất đai sửa đổi cần được Quốc hội quan tâm đặc biệt. Đại biểu nêu thực tiễn đây là những vấn đề gây nhiều bức xúc, liên quan đến 70% tổng số các vụ khiếu kiện trong thời gian qua; đồng thời, đất đai cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng tán thành với việc đưa Luật Đất đai sửa đổi vào chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và thông qua tại Kỳ họp 6 nhưng đề nghị Chính phủ cần đảm bảo tốt nội dung sửa đổi dự án quan trọng này. Đại biểu Võ Thị Dung (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, xung quanh việc sửa đổi Luật Đất đai còn nhiều nội dung có quan điểm khác nhau nhưng việc sửa đổi này là hết sức cần thiết, được người dân và cử tri cả nước trông đợi từng ngày, từng giờ. Đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan soạn thảo gấp rút triển khai thực hiện. Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) đề nghị không nên lùi thời hạn mà tiến hành cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đối với Luật Đất đai vì đã có đủ cơ sở để tiến hành sửa đổi, bổ sung dự án luật này do có quá trình chuẩn bị lâu dài, kỹ càng.

Giải trình với các đại biểu nội dung tại buổi thảo luận liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ đang tập trung làm rõ những nội dung: Giá đất; thu hồi đất đền bù giải phóng mặt bằng; thế chấp người sử dụng đất; xử lý vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc, miền núi; vấn đề đất nông, lâm trường để phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên, đây là những nội dung lớn, rất phức tạp, nên để văn bản pháp luật về đất đai ổn định theo từng thời kỳ, không gây bất cập, sơ hở, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho giữ đúng theo tiến độ đã trình (cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và thông qua tại Kỳ họp 6), để đảm bảo chất lượng việc chuẩn bị dự án.

Theo đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội), việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn tình trạng có dự án được đưa ra, có dự án khác lại được đưa vào, bổ sung. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của việc này là do rà soát không kỹ các hồ sơ dự án. Cơ quan soạn thảo chưa phát huy hết trách nhiệm trong quá trình xây dựng dự án luật. Đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 của Quốc hội phải ưu tiên các dự án tiếp tục thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và gắn với thực tiễn đời sống.

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh của Quốc hội cần phải tiến hành song song với việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện để khi ban hành, Luật được triển khai ngay trong thực tế. Đại biểu Vũ Công Tiến (đoàn Lâm Đồng) đề nghị không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án chưa đủ điều kiện. Đại biểu đề nghị tập trung xây dựng các dự án luật mà xã hội đang cần điều chỉnh; lấy những bức xúc của nhân dân làm căn cứ xây dựng chương trình. đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 cần có những nội dung điều chỉnh vấn đề quản lý vốn Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) cho rằng, công tác xây dựng luật, pháp lệnh cần rút kinh nghiệm vì có nhiều trường hợp, hồ sơ dự án chuyển đến đại biểu chậm, không đầy đủ. Phần tổng kết thực tiễn không chỉ rõ được nguyên nhân, tồn tại và thường thiếu báo cáo đánh giá tác động của dự án luật và không kèm theo ngay các văn bản hướng dẫn thực hiện theo quy định./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam