Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào các nhóm vấn đề: phạm vi điều chỉnh; quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước và cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (tỉnh Tiền Giang), đại biểu Lê Đắc Lâm (tỉnh Bình Thuận) và phần lớn đại biểu khác tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bao gồm cả nước biển vùng nội thủy, lãnh hải thuộc chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (TP Hải Phòng) cho rằng nên thay từ “trên lãnh thổ” bằng từ “thuộc lãnh thổ” vì như vậy sẽ chặt chẽ, và có tính bao quát hơn. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh được ghi trong dự thảo Luật như sau: Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các đại biểu làm việc tại hội trường. Ảnh: Mạnh Hùng
Ngoài ra, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) đề nghị không nên điều chỉnh cả nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật vì nước nóng, nước khoáng thiên nhiên được coi là khoáng sản và đã được điều chỉnh bởi Luật khoáng sản năm 2010, do đó để tránh trùng lắp thì không nên quy định trong dự thảo Luật.
Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (tỉnh Long An) cùng một số đại biểu khác đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ xem xét, cho ý kiến đối với quy hoạch tài nguyên nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh. Còn quy định như trong dự thảo, UBND cấp tỉnh chỉ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước của địa phương sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định là không phù hợp với xu thế cải cách thủ tục hành chính.
Thêm nữa, nhiều đại biểu ở hội trường đề nghị quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước phải trình Quốc hội phê duyệt.
Vấn đề bảo về tài nguyên nước được các đại biểu đặc biệt quan tâm khi cho rằng chất lượng nguồn nước đang ngày càng giảm. Đại biểu Phạm Xuân Thắng (tỉnh Hải Dương) đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung và quy định rõ kiểm định chất lượng nguồn nước theo định kỳ và công khai để người dân biết và lựa chọn sử dụng. Thêm nữa, đại biểu đề nghị việc kiểm tra xả thải phải có tính bắt buộc và ghi rõ trong luật.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Hòa Bình) nêu một thực tế là những tác động xấu có thể ảnh hưởng đến nguồn nước mà doanh nghiệp gây ra không thể lộ ngay, mà diễn ra từ từ. Do đó để quy kết bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp ngay là rất khó trong khi cuối cùng khắc phục hậu quả ngân sách Nhà nước lại phải chịu. Đa số các đại biểu đề nghị phải có chế tài nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp hoạt động sản xuất xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây phiền hà cho doanh nghiệp vì phải 2 lần xin giấy phép để được hoạt động và xả nước thải ra nguồn nước dù vậy, vẫn khó kiểm soát tình hình xả thải ra môi trường của các doanh nghiệp này.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Dung (tỉnh Điện Biên) cho rằng luật phải quy định rõ hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng thì ngay lập tức phải đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho đến khi có giải pháp khắc phục hậu quả thì mới cho hoạt động trở lại.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam