(NTO) Ngân khố Quốc gia Việt Nam ra đời từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 75/SL ngày 29-5-1946 thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính để giúp Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cấp bách về tài chính và tiền tệ trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng. Ngân khố Quốc gia đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chế độ tài chính tiền tệ độc lập tự chủ, góp phần đưa hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi vẻ vang. Và ngày 29-5 hằng năm đã trở thành Ngày Truyền thống của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) theo Quyết Định số 1668/QĐ-TTg ngày 26-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Cán bộ ngành Kho bạc Nhà nước tỉnh giải quyết hồ sơ cho khách hàng. Ảnh: Văn Miên
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công cùng với sự ra đời của Chính phủ Cách mạng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 28-8-1945, ngành Tài chính của nước Việt Nam chính thức thành lập. Những ngày trứng nước đó, đất nước gặp vô vàn khó khăn, Ngân khố Quốc gia trống rỗng. Xây dựng một nền tài chính vững mạnh là yêu cầu rất cấp thiết để duy trì hoạt động của chính quyền cách mạng. Ngân khố quốc gia lúc bấy giờ chưa chính thức thành lập nhưng là một bộ phận công việc cực kỳ quan trọng của Bộ Tài chính nói riêng và của Chính phủ Cách mạng nói chung. Những người làm công tác ngân khố được giao nhiệm vụ trực tiếp đối phó và giải quyết tình hình nước sôi, lửa bỏng trên mặt trận tài chính và ngân sách quốc gia. Một mặt, Chính phủ kêu gọi lòng yêu nước tự nguyện đóng góp của nhân dân: xây dựng “Quỹ độc lập”, phát động “Tuần lễ vàng”… mặt khác giao cho Bộ Tài chính thực hiện ngay các giải pháp cấp bách về tài chính và tiền tệ. Để có một cơ quan chuyên môn đặc trách giải quyết các vấn đề tài chính, tiền tệ, ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 75/SL thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính. Trong thời gian 5 năm (1946-1951), Nha Ngân khố đã hoàn thành các trọng trách Chính phủ giao phó, đặc biệt giúp Chính phủ xây dựng một chế độ tiền tệ độc lập, tự chủ, thông qua việc phát hành đồng tiền tài chính, lưu hành trong cả nước từ cuối năm 1946 và các loại tín phiếu để giải quyết nhu cầu chi tiêu của cán bộ và nhân dân ở các vùng mới giải phóng; tham gia tổ chức phát hành một số đợt công trái và công phiếu kháng chiến ghi thu bằng tiền và bằng thóc trong các năm 1946, 1948 và 1950, nhằm huy động sự đóng góp trong nhân dân để phục vụ nhu cầu sản xuất và chiến đấu.
Để thực hiện chính sách động viên tài chính, ổn định nghĩa vụ đóng góp của nhân dân, đồng thời đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tiếp tục củng cố và ổn định tiền tệ, đồng thời cụ thể hóa chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý quỹ NSNN, năm 1951, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 107/TTg thành lập Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính quản trị đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, với nhiệm vụ chủ yếu là quản lý thu chi quỹ NSNN và các khoản thu của tài chính quốc gia đều phải nộp vào Kho bạc. Trong thời gian hoạt động, dưới sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, KBNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình: Tích cực đấu tranh với địch trên mặt trận tài chính - tiền tệ; từng bước xây dựng và củng cố chế độ tiền tệ độc lập, tự chủ.
Từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới, nhiều yêu cầu cải cách được đặt ra với công tác quản lý tài chính ngân sách tiền tệ của Nhà nước. Do đó, việc tách chức năng quản lý nhà nước, kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng với chức năng quản lý và điều hành NSNN, hình thành một cơ quan quản lý quỹ NSNN trực thuộc Bộ Tài chính là hết sức cần thiết. Vì vậy, năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 07/HĐBT chuyển KBNN trở về Bộ Tài chính quản lý. Kể từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, cấp ủy chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương, bằng sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ công chức, hệ thống KBNN đã có bước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; khẳng định là một công cụ quan trọng không thể thiếu trong bộ máy hành chính công quyền của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quỹ NSNN, các quỹ tài chính của Nhà nước, huy động vốn cho NSNN, cho đầu tư phát triển và là đầu mối duy nhất thực hiện nhiệm vụ tổ chức công tác kế toán NSNN. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ KBNN từ thời kỳ đầu kháng chiến cứu quốc, tập thể cán bộ, công chức hệ thống KBNN đang cố gắng giữ gìn sự trong sáng, phẩm chất đạo đức trung thực, lòng yêu nghề, ý thức trân trọng, tự hào về truyền thống ngành, vẫn đang ra sức thi đua, học tập phấn đấu phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, cả hệ thống tạo thành một khối vững chắc, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Ghi nhận những công lao to lớn và thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc từ khi thành lập Ngân khố Quốc gia - tiền thân của KBNN (29-5-1946) cho đến nay, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng hệ thống KBNN nhiều phần thưởng cao quý và đặc biệt nhân kỷ niệm 20 năm tái thành lập hệ thống KBNN (năm 2010), KBNN đã vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước tặng thưởng.
Để tiếp nối những truyền thống từ ngày đầu thành lập, ngày 26-9-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số
1668/QĐ-TTg, lấy ngày 29-5 hàng năm là Ngày Truyền thống của ngành KBNN. Đây là dịp đội ngũ cán bộ KBNN của các thế hệ trước và cán bộ, công chức KBNN hôm nay có quyền tự hào về những gì đã làm được, đã khẳng định, đã minh chứng và là tấm gương cho thế hệ mai sau tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của ngành KBNN, mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhà nước.
Năm 2012 là năm đầu tiên hệ thống KBNN kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành KBNN. Để thiết thực lập thành tích chào mừng Ngày Truyền thống của ngành, mỗi cán bộ, công chức trong toàn hệ thống cần ra sức thi đua trên các mặt:
Thứ nhất, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; kỷ cương, kỷ luật của ngành; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và 10 Điều kỷ luật của hệ thống KBNN. Thực hiện văn minh công sở; văn hóa nghề kho bạc; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất; giữ vững sự ổn định nội bộ để xây dựng hệ thống KBNN không ngừng phát triển vững chắc.
Thứ hai, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, giải quyết công việc kịp thời, đúng quy trình, quy định; hoàn thành công việc được giao có chất lượng, hiệu quả.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chất lượng, hiệu quả công tác, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động.
Thứ tư, tự giác học tập để không ngừng nâng cao kiến thức về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ tin học và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của ngành KBNN.
Thứ năm, tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, đề cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, tôn trọng quy trình nghiệp vụ trên cơ sở mục tiêu và phương châm hành động là “Siết chặt kỷ cương, giữ vững ổn định, đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển KBNN, hoàn thành triển khai diện rộng Dự án TABMIS và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao”.
Với truyền thống đoàn kết riêng có của ngành KBNN, đội ngũ cán bộ, công chức KBNN quyết tâm đoàn kết một ý chí, vượt lên mọi khó khăn, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, chung sức, chung lòng vì mục tiêu xây dựng Kho bạc hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, xứng đáng là người giữ tay hòm chìa khoá quốc gia vững vàng bước tiếp một chặng đường mới hứa hẹn nhiều thử thách và nhiều thành công.
Kho bạc Nhà nước tỉnh