Mỗi đơn vị có mỗi đặc thù công việc khác nhau, thế nên khi triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các công đoàn cơ sở đã cụ thể hóa nội dung học tập Bác bằng những chuẩn mực đạo đức phù hợp, gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo hướng tích cực, hiệu quả.
Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng hoa và quà kỷ niệm cho các cá nhân tiêu biểu
trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Miên
Là một bác sĩ, anh Phú Anh Quốc, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện Điều dưỡng, phục hồi chức năng tỉnh luôn trăn trở với lời dạy “Lương y như từ mẫu” của Bác Hồ. “Làm một người mẹ thì phải có tình cảm bao la, sâu sắc như thế nào, chắc ai cũng biết. Nhưng làm một “từ mẫu” của bệnh nhân, đối với tôi và tất cả những đồng nghiệp khác, quả là một thiên chức lớn lao và không đơn giản. Hiểu được điều này, mọi suy nghĩ và việc làm của mình đều như có ánh sáng soi đường”, anh Quốc chia sẻ. Từ suy nghĩ đó, anh đã nghiên cứu nhiều đề tài ứng dụng trong công tác điều trị cho bệnh nhân, góp phần tích cực vào hiệu quả điều trị tại bệnh viện, chia sẻ nỗi mất mát của người khuyết tật nói riêng, của bệnh nhân nói chung.
10 năm không phải là một khoảng thời gian quá dài nhưng với cô giáo Lê Thị Lệ Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Đại B thì là một chặng đường phấn đấu không mệt mỏi để nâng cao chất lượng dạy và học của một trường tiểu học vùng cao. Với đặc điểm học sinh là con em dân tộc Raglai, việc duy trì sĩ số đến trường đã là một bài toán khó, nói chi đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, tiến đến đạt chuẩn quốc gia. Càng khó càng cố gắng làm, và điều “không tưởng” ấy đã thành hiện thực, tháng 1-2012, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận Trường Tiểu học Phước Đại B là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. “Tôi tâm đắc nhất từ tấm gương đạo đức Bác Hồ là đức tính giản dị của Người. Bác sống gần gũi, không quan cách, những việc Bác làm luôn luôn nghĩ đến lợi ích cho dân, cho nước. Và đã làm việc gì thì Bác cũng rất cẩn thận, kiên trì và quyết tâm cao”, cô Quyên bày tỏ suy nghĩ.
Sinh thời, Bác Hồ luôn yêu thương mọi người. Tình yêu ấy của Người bao la mà gần gũi, sâu sắc nhưng cũng rất tự nhiên. Xuất phát từ đức tính đó của Bác, từ tấm lòng một nhà giáo, tấm lòng một người mẹ và trách nhiệm của một phó hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Hồng Liên, Công đoàn cơ sở Trường THPT Chu Văn An đã huy động ủng hộ từ nhiều nguồn để hỗ trợ học sinh nghèo, mồ côi và giúp đỡ công nhân viên, giáo viên nhà trường có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, an tâm trong công tác. “Tôi luôn coi mỗi em học sinh như con mình. Nhìn các em phải chịu cảnh mất mát trong gia đình khi tuổi đời còn quá nhỏ, tôi không thể cầm lòng nên trong khả năng của mình, tôi đã vận động học sinh toàn trường và tập thể giáo viên, công nhân viên nhà trường quyên góp để giúp đỡ các em ấy. Còn đối với các em học sinh chưa ngoan, tôi luôn cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh gia đình mỗi em rồi khuyên nhủ, động viên để các em ý thức hơn trong việc học tập”, cô Liên kể lại.
Tập thể Trường Tiểu học La Chử, huyện Ninh Phước đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, vận động quyên góp được 32 triệu đồng xây dựng sân trường bê-tông cho các em học sinh vui chơi, sinh hoạt; chị Bà Râu Thị Ốm, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở xã Phước Hà (Thuận Nam) đã tích cực vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch, chuyển đổi hình thức phát triển sản xuất, kết quả hơn 80 phụ nữ trong xã thoát nghèo,… đều là những điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần được nhân rộng.
5 năm triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh đã thực sự tạo được những chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân trong đội ngũ CN,VC-LĐ.
Bảo Bình