Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ Việt Nam

“Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ-Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh” là tên 2 tập sách do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cách đây chưa lâu. Hiện tập 3 đang được chuẩn bị để tiếp tục ra mắt độc giả. Qua góc nhìn văn hóa của các văn nghệ sĩ Việt Nam, chúng ta bắt gặp ở đây hình tượng Hồ Chí Minh trong “sự kết hợp đẹp đẽ giữa cái cao cả và bình thường, giản dị mà thanh cao, vĩ đại mà gần gũi, rất Việt Nam mà cũng rất nhân loại…”- nhà văn Hữu Thỉnh nhận định.

Được một lần gặp Bác là mơ ước của rất nhiều văn nghệ sĩ. Những lần gặp ấy đã để lại những ấn tượng không thể phai mờ, và đa số những ấn tượng ấy đều trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận. Họa sĩ Diệp Minh Châu-người chưa từng gặp Bác nhưng đã dùng máu mình vẽ bức chân dung tặng Người-vui mừng kể lại về lần gặp Bác năm 1951: “Đó là lần đầu tiên cũng là lần tôi được sống lâu nhất cạnh Bác. Thời gian đó là thời gian sung sướng nhất trong đời tôi…

 

Bác Hồ với Tây Nguyên-tranh sơn dầu của họa sĩ Xu Man (ảnh chụp lại).

Những lúc nghỉ việc, Bác hay đến xem tôi vẽ. Có lần, xem một bức tranh, Bác nói: “Bác có ý kiến, chú đồng ý không?”-“Cháu xin Bác cho ý kiến”. Bác chỉ vào tranh: Chú vẽ nhà Bác chỗ này còn trống quá. Chú cho thêm con chó nhỏ của Bác vào đây nhé. Thường ngày nó vẫn nằm đây. Có người có vật cho nó vui. Để Bác giữ nó lại cho chú vẽ nhé…”. Một chi tiết rất nhỏ như thế nhưng đã ở lại mãi trong tâm trí Diệp Minh Châu.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng từng hết sức bồi hồi kể lại một câu chuyện vào năm 1946: “Đến mai, tôi sẽ được gặp Cụ Chủ tịch nước, Cụ Hồ, mà nhiều anh em đã rỉ tai tôi bảo là Cụ Nguyễn Ái Quốc. Chà chà, tôi sẽ được mắt thấy ông chủ báo Người cùng khổ, tôi sẽ được nghe tác giả cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, mà trước kia tôi đã được đọc một cách lén lút…”. Ngày ấy, Nguyễn Công Hoan là người phụ trách kiểm duyệt sách báo, tức là đọc các bản in rập, thấy câu chữ nào hại cho đường lối chính trị thì xóa đi và ký tên bên cạnh. Lần gặp Bác, Bác hỏi rất nhiều chuyện, trong đó có chuyên môn:

- Ngày trước chú cũng viết báo phải không?

- Vâng ạ.

- Có bị kiểm duyệt xóa bao giờ không?

- Thưa Cụ, nhiều lần ạ.

Thế chú có ưa kiểm duyệt không?

Tôi tủm tỉm:

- Thưa không ạ.

- Phải nói là ghét mới đúng. Thế bây giờ chú xóa của người ta, thì chú thử đoán xem người ta có yêu chú hay không?

Tôi không dám đáp.

 

Bác cười:

- Kiểm duyệt với báo chí phải thân nhau. Người ta đã đặt hết tâm trí mới viết ra bài, cũng như đẻ được một đứa con. Nay mình thấy cái mặt, cái tay đứa bé có vết hoặc có ghẻ, thì mình phải bảo người ta chữa, và chữa như thế nào… Mà nhân tình thế thái như vậy, dù đứa con hư hại mấy, thì bố mẹ cũng yêu và bênh con…

Nhà văn Nguyễn Công Hoan không khỏi cảm kích: “Ở trong nước, ta còn lo diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Bác là người đứng mũi chịu sào trước cơn phong ba bão táp này… thì Bác để thì giờ nào mà đọc tất cả các báo, lại đọc kỹ hơn cả tôi?... Tôi ngùi ngùi ngắm Bác. Vai Bác vẫn nhô lên. Má Bác vẫn lõm. Mắt Bác sáng, tuy sáng nhưng vẫn trũng. Bác không khỏe như cái hôm tôi nhìn thấy Bác ở Ba Đình”.

Nghệ sĩ Văn Hoàng (Mỹ Tho) cũng kể lại câu chuyện đầy xúc động trong kỷ niệm về Bác: Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, những người nghệ sĩ không ngần ngại “xếp lại cây đờn để cầm vũ khí”. Sau một trận chiến, Văn Hoàng bị mất cánh tay phải. Đối với người khác, cánh tay đã là quý nhưng đối với một người sống chết với cây đàn như ông thì cánh tay là cả cuộc đời. Vô cùng khổ tâm vì bị bứt ra khỏi nghệ thuật, ông cứ ôm đàn nằm ngửa nhìn lên mái nhà. Cuối cùng, trong đầu ông lóe lên ý nghĩ: Tập cho ngón tay út làm thay việc của cả 5 ngón tay bên bàn tay phải. Sau gần 20 năm chơi đàn, ông phải làm lại tất cả từ đầu, trong khó nhọc của một “trận địa mới”. Câu chuyện đầy nghị lực của ông đã đến tai Bác, và Người gọi anh vào hỏi chuyện.

Bác cũng tặng ông một cây đàn và chiếc máy tăng âm để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với những người đồng chí Liên Xô. Tối hôm ấy, “tiếng đờn của tôi như được chắp thêm cánh, tôi đờn rất say sưa với lòng tự hào về quân đội mình, nhân dân mình…”-nghệ sĩ Văn Hoàng xúc động kể lại về niềm vui khi thấy sự ngỡ ngàng, thán phục, hoan nghênh của những đồng chí Liên Xô.

Đặc biệt, có một nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số cũng đã dành gần như cả đời mình để vẽ Bác, đó là họa sĩ Xu Man-cánh chim đầu đàn của nền Mỹ thuật Tây Nguyên, người con Bahnar tài hoa của đất Gia Lai, người đã vẽ trên dưới 100 bức tranh về hình tượng Bác Hồ. Và dù Bác chưa lần nào đặt chân đến Tây Nguyên, nhưng bằng niềm mong ước và tưởng tượng nghệ thuật, Xu Man đã miêu tả nhiều bức như: “Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên”, “Nhân dân Tây Nguyên với Bác Hồ”, “Đón Bác về Tây Nguyên”…

Nhà thơ Văn Công Hùng-người có nhiều dịp gần gũi với họa sĩ Xu Man kể lại trong tập sách: Xu Man tâm sự rằng, với các họa sĩ khác, vẽ Bác Hồ khó một thì với ông khó mười, vì ông không giỏi trong việc cân đong tỷ lệ hình thể. Thế nhưng, khi vẽ bất cứ một bức tranh nào thì có 2 hình ảnh lập tức hiện ra trong óc ông, đó là nhân dân quê ông và Bác Hồ. “Tôi có lần hỏi ông rằng, ông có biết là Bác Hồ trong tranh ông không giống không?”. Ông đã trả lời rằng: Biết, nhưng đó là Bác Hồ của Xu Man…”.

Nguồn Báo Gia Lai