Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc học tập nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên. Người đã chỉ rõ mục đích của việc học tập và những biện pháp cơ bản để đạt mục đích đó: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Muốn đạt mục đích, thì phải "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Từ nhận thức đúng đắn mục đích của việc học tập mà cán bộ, đảng viên phấn đấu không ngừng trong học tập, rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho.
Hồ Chí Minh cho rằng học tập của cán bộ, đảng viên phải xuất phát từ yêu cầu thực tế thiết thực, không phô trương, hình thức. Phải học cặn kẽ, thấu đáo, cụ thể và sâu sắc đến tận bản chất vấn đề. Theo Bác, mỗi người phải biết một nghề, làm việc gì học việc ấy và làm nghề gì phải thạo nghề ấy. Nếu là cán bộ lãnh đạo, thì lãnh đạo ngành nào phải biết chuyên môn về ngành ấy. Mọi cán bộ, đảng viên đều phải nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác- Lê-nin, đường lối, chính sách của Đảng, văn hoá, kỹ thuật, lao động sản xuất… Những nội dung đó là hết sức cơ bản và gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong đó, Người nhấn mạnh học tập chủ nghĩa Mác- Lênin nhằm trang bị cho mỗi người thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học để nhận thức và hành động đúng đắn, kiên quyết, sáng tạo và hiệu quả.
Theo Hồ Chí Minh, nội dung học tập phải toàn diện, “ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”. Người cán bộ cách mạng phải được đào tạo rèn luyện về phẩm chất và năng lực để hoàn thiện nhân cách trong tình hình mới. Người xác định nội dung học tập gắn với thực hiện nhiệm vụ mà mỗi cán bộ, đảng viên đảm nhiệm. Đối với cán bộ quân đội, Người đặt ra yêu cầu phải tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, lòng trung thành với Đảng với Tổ quốc, nhân dân… Theo Bác, quân đội ta trước hết phải là đội quân tuyên truyền vận động nhân dân làm cách mạng, do vậy, mỗi quân nhân phải thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, vận động nhân dân để nhân dân tin theo Đảng, thực hiện sự nghiệp cách mạng vẻ vang.
Theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên có vị trí nhất định trong bộ máy nhà nước, do đó phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, có tư duy độc lập và sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng công tác. Theo Người, vấn đề học tập là “suốt đời” chứ không phải chỉ là lớp học, khoá học hoặc mang tính “thời vụ”, rồi sau đó lại “đâu vào đấy”. Người chống thói qua loa đại khái, lười học, lười suy nghĩ dẫn đến tình trạng khi giải quyết công việc thì “được chăng hay chớ”, “gặp đâu làm đấy”, chất lượng công việc thấp, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Người chỉ rõ: “Cán bộ và đảng viên ta, vì bận việc hành chính hoặc quân sự, mà xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa”. Do đó, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “ham học tập để nâng cao trình độ của mình” và coi đây là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Từ đó, Người vạch rõ phương hướng, nhiệm vụ đối với cán bộ, đảng viên là không được nhãng việc học tập, phải tu dưỡng không ngừng, đối với người cán bộ “chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Người đặt lên hàng đầu “lấy tự học làm cốt”, cán bộ, đảng viên phải biết “tự động học tập”, phải xác định tư tưởng cho đúng. Học tập phải trở thành nhu cầu, thói quen, hành vi hàng ngày của cán bộ, đảng viên. Cán bộ nào lười học, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận, cập nhật thông tin mới, những hiểu biết mới cũng là một biểu hiện suy thoái về đạo đức.
Tư tưởng của Người về học tập nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên là phải thiết thực, bổ ích, hiệu quả, sát với công việc của mỗi người; nếu không đạt được như vậy là “phí công, phí của, vô ích”. Bác nhấn mạnh “học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận". Tri thức, lý luận của cán bộ, đảng viên tích lũy được trong học tập phải nhằm giải quyết nhiệm vụ thực tiễn, làm cho hoạt động thực tiễn ngày càng đạt hiệu quả và chính thông qua hoạt động thực tiễn để sáng tạo, khái quát, tổng kết kinh nghiệm, phát hiện, bổ sung hoàn thiện đường lối cách mạng của Đảng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong học tập người học phải sáng tạo, biết kế thừa tinh hoa tri thức của dân tộc và nhân loại. Phương pháp học tập là kết hợp chặt chẽ giữa học với hành, lý luận gắn liền với thực tế, tích luỹ tri thức với rèn luyện đạo đức cách mạng. Đối với nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập “phương pháp biện chứng” chứ không rập khuôn, máy móc. Người còn cho rằng trong học tập của cán bộ, đảng viên là khó khăn, lâu dài nhưng nếu có quyết tâm cao, phương pháp học tập tốt thì mọi việc đều có thể làm được “Không có việc gì khó. Chỉ e ta không siêng… siêng học tập thì mau biết”.
Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định “học tập là công việc suốt đời của cán bộ, đảng viên”. Mọi cán bộ, đảng viên phải có kế hoạch thường xuyên để học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Học tập vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành nền nếp, chế độ. Thực tiễn cho thấy còn không ít cán bộ, đảng viên còn “học vì bằng cấp”, “cốt để tiêu chuẩn hoá chức danh”… Những biểu hiện đó là trái với tư tưởng của Bác về mục đích học tập cần được phê bình, sửa chữa, để mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thực sự là tấm gương về học tập cho quần chúng noi theo, góp phần đưa cả nước trở thành một “xã hội học tập”, phấn đấu vì Việt Nam giàu đẹp, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo Tạp chí Cộng sản