Nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ (19-5-1890 – 19-5-2012)

Những cuộc gặp in đậm trong tim

Tháng 12-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu thanh niên Liên Xô. Tôi có ba lần được may mắn gặp gỡ và trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kỷ niệm đó đã in đậm trong tôi suốt đời.

Lần gặp thứ nhất

Vào năm 1961, tôi được đi thực tập ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội, viết luận án, làm phiên dịch ngoài biên chế tại sứ quán Liên Xô và cơ quan Thương vụ. Thỉnh thoảng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi trên chiếc xe Pobeda đến Thương vụ của chúng tôi để xem những bộ phim mới của Liên Xô trong phòng chiếu phim. Không cần phải có phiên dịch vì Chủ tịch biết tiếng Nga.

Chủ tịch Hồ chí Minh gặp mặt Đoàn TNCS Liên Xô, tháng 12-1964.
(Bên trái : Sergey Aphonin, Yuri Torsue, Bí thư Đoàn TNCS Liên Xô.
Bên phải : Vũ Quang, Bí thư thứ nhất Đoàn TNLĐ Việt Nam).

Có một lần Bác Hồ từ trong phòng chiếu phim đi ra và khi nhận thấy tôi, Người đã dừng lại một phút và hỏi bằng tiếng Nga:

- Cháu nói được tiếng Việt?

Thú thật là tôi đã đứng ngây người bởi lần đầu được tiên nhìn thấy con người huyền thoại này gần đến như thế.

- Vâng, một chút thôi ạ…

- Thế ở đây cháu có thích không?

- Rất thích ạ, cháu yêu quý Việt Nam.

Hồ Chí Minh mỉm cười và đã khuyên tôi bằng tiếng Việt lúc chia tay:

- Cháu cần phải học tốt tiếng Việt. Bác chúc cháu thành công.

Lần gặp thứ hai

Tháng 12-1964, tôi có mặt trong Đoàn đại biểu Thanh niên Liên Xô đến thăm Việt Nam. Trưởng đoàn là Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Liên xô Yuri Torsuev, còn tôi là chuyên viên phòng Quốc tế của Ủy ban T.Ư Đoàn Thanh niên Komsomol. Ngay trước ngày trở về chúng tôi đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp. Người thân mật ôm chúng tôi, tiếp đãi trà. Chủ tịch vui vẻ và nhiệt tình. Người hơi gầy, đôi mắt sáng hiền từ, chòm râu bạc, mái tóc mềm, bộ quần áo giản dị, đôi dép sandal…

Hồ Chủ tịch hỏi chúng tôi đã có những ấn tượng gì từ chuyến đi. Tôi đã dịch lời của trưởng đoàn sang tiếng Việt, và tất nhiên là tôi còn nhớ lời khuyên của Chủ tịch đã căn dặn tôi ba năm trước đây. Sau đó Chủ tịch bắt đầu kể chuyện về những năm Người ở đất nước Xô-viết. Đặc biệt, điều làm cho Người khâm phục là lòng nhiệt huyết và quyết tâm của nhân dân Xô Viết trong những năm 20-30 đã tạo dựng nên một xã hội mới.

Về tình hình ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã gây nên cuộc chiến ở miền Nam và bắt đầu ném bom ở miền Bắc, Chủ tịch nói ngắn gọn: “Một khi họ xâm phạm đất nước chúng tôi, nhất định dân tộc chúng tôi sẽ đứng lên đánh đuổi kẻ thù”… Khi đó Người đã nhận thấy vai trò quan trọng của tình đoàn kết quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam. Vào thời kỳ đó trong phong trào cộng sản quốc tế có những sự bất đồng nghiêm trọng và Hồ Chủ tịch đã không đề cập tới đề tài này. Người chỉ nhấn mạnh đến niềm tin của mình đối với quê hương của cách mạng Tháng Mười.

Lần gặp thứ ba

Tháng 2-1969, đoàn đại biểu TNCS Liên xô, dẫn đầu là Bí thư Đoàn Evgheni Chiazelnik sang thăm nước Việt Nam. Khi đó tôi làm phóng viên thường trú của tờ báo TACC và tờ “Sự thật thanh niên Comsomol” ở Việt Nam đã được vài năm và có mặt trong của đoàn đại biểu. Chúng tôi đã đi thăm những vùng khác nhau ở miền Bắc Việt Nam, gặp gỡ với thanh niên ở các nhà máy, làng quê, trường học, các địa điểm quân sự và hoàn toàn cảm nhận được ý chí không gì lay chuyển được của nhân dân đối với thắng lợi, bất chấp những tội ác man rợ của giới quân sự Mỹ. Dân tộc Việt Nam anh dũng đáp lời kêu gọi chỉ đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đã giáng trả quân xâm lược những đòn đích đáng và đã làm tất cả để giải phóng miền Nam Việt Nam và thống nhất Tổ quốc.

Tôi không bao giờ quên được ngày 25-2-1969 đáng ghi nhớ ấy. Đoàn đại biểu của chúng tôi có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Buổi nói chuyện diễn ra ở ngôi nhà nhỏ một tầng được xây dựng trong những năm chiến tranh tại vườn hoa của Phủ Chủ tịch. Những cái ôm, những cái bắt tay thân thiết. Khi chúng tôi ngồi vào bàn, Bác Hồ cầm điếu xì gà và mời hút thuốc. Không biết vì sao mà chúng tôi đã từ chối, về sau này chúng tôi hiểu rằng lẽ ra cần phải đón nhận những điếu thuốc từ tay Người như một món quà tinh thần. Người không hút thuốc và bắt đầu trò chuyện:

- Chúng tôi vui mừng vì các cháu đã đến Việt Nam. Chắc hẳn các cháu đã thấy được sự ấm áp chân thành và tình yêu thực sự của chúng tôi đối với nhân dân Liên Xô. Khi đất nước của các cháu ở bên chúng tôi, chúng tôi tin tưởng vào tương lai hạnh phúc của mình.

Hồ Chủ tịch đã nói chuyện về Liên Xô với tình cảm rất thân ái, Người nhớ lại những thời kỳ khác nhau trong đời sống ở Moskva.

- Khi đó vào những năm 1920-1930 là thời kỳ khó khăn, cũng như ở đất nước chúng tôi hiện giờ vậy - Người nhận xét.

- Nhưng khi đó - ông Phạm Văn Đồng nói - Bác chỉ có một mình, còn dân tộc ta bây giờ không đơn độc…

- Sau đó cuộc sống của người dân Xô Viết bắt đầu tốt hơn, - Chủ tịch nói tiếp - Có lần tôi đã hỏi một cô gái (Người nói bằng tiếng Nga), vì sao cô ấy mặc chiếc áo choàng lụa rực rỡ, tô mắt và đi giày cao gót. Cô gái tự hào trả lời: “Bởi tôi lao động và tôi kiếm được tiền”. Sau đó ở Moskva đã xuất hiện tàu điện ngầm, xe hơi…

Chúng tôi lắng nghe những hồi ức của Bác Hồ, nhìn vào khuôn mặt cởi mở của Người. Qua đôi kính, Người nhìn chúng tôi bằng đôi mắt sinh động dù có hơi mệt mỏi. Người đội chiếc mũ cát két, cổ quàng khăn (hôm đó trời rất lạnh).

Hồ Chí Minh châm thuốc và kể lại, năm 1925 khi còn làm việc ở Quốc tế Cộng sản, Người đã thành lập Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Việt Nam và vài năm sau là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những sự kiện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nghĩ là còn chưa được nhận thức hết. Bên Người là cuộc sống đầy những thử thách của một người cách mạng, một người yêu nước và người chiến sĩ quốc tế. Người đã từng bị thực dân Pháp kết án tử hình, đã trải qua hàng chục nhà tù ở Trung Quốc. Ngay từ năm 1941 người đã đoán trước rằng Liên Xô sẽ đánh tan phát xít Đức vào năm 1945 và cũng trong năm đó Việt Nam sẽ giành được độc lập. Và những điều đó đã diễn ra đúng như vậy. Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống thực Pháp và quân xâm lược Mỹ.

Hồ Chí Minh đã cho chúng tôi xem một số bức ảnh về các cuộc gặp gỡ của Người với thanh niên miền Bắc Việt Nam, với các chiến sĩ lực lượng giải phóng miền Nam.

- Thanh niên chúng tôi,- người nhận định - thực sự anh hùng, đây là một sức mạnh hùng hậu.

Trong một bức ảnh là hình một cô gái Việt Nam mảnh khảnh đang áp giải một viên phi công Mỹ cao lớn.

- Nhiều người đã đến nước chúng tôi và họ thấy ngạc nhiên, vì sao một đất nước nhỏ bé và lạc hậu lại đánh trả thành công sự xâm lược của Mỹ - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói - Nhưng khi được xem tấm ảnh này thì mọi sự sẽ trở nên rõ ràng.

(Sau này chúng tôi được biết tấm ảnh nổi tiếng trên do nhà báo Phan Thoan chụp vào ngày 20-9-1965 tại tỉnh Hà Tĩnh. Cô dân quân trẻ đã áp giải tên phi công Mỹ William Robinson có tên là Nguyễn Thị Kim Lai).

Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc câu chuyện bằng lời nói:

- Mọi thắng lợi của chúng tôi đều gắn liền với tên tuổi của Lê-nin, tất cả chúng tôi đều gắn bó với Tổ quốc của Cách mạng tháng Mười.

Tôi luôn trân trọng những kỷ niệm của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(Bài viết của Sergey Aphonin - cựu phóng viên quân sự Nga)
 
Nguồn Báo Nhân Dân