Nâng cao hiệu quả sản xuất cây lúa

Cây lúa là loại cây trồng truyền thống, chiếm phần lớn diện tích gieo trồng trong tỉnh. So với thời điểm tái lập tỉnh đến nay, diện tích lúa đã tăng thêm trên 10.000 ha, năng suất tăng 1,5 lần, theo đó sản lượng cũng tăng hơn 2 lần so với trước đây.

Từ mở rộng diện tích trồng lúa

Là vùng có khí hậu khô hạn, không mấy thuận lợi cho phát triển cây lúa, những năm đầu mới tái lập tỉnh, diện tích trồng lúa trên địa bàn toàn tỉnh còn hạn chế. Chưa kể có một số vùng sản xuất do không chủ động nguồn nước nên phải bỏ hoang hóa, năng suất, thu nhập bấp bênh, năng suất trung bình năm 1992 chỉ đạt ở mức 37,3 tấn/ha.

Ảnh: Anh Tuấn

Một trong những địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhưng đất sản xuất ít, huyện Bác Ái từng khó khăn tìm hướng thoát nghèo. Tuy nhiên khi hệ thống thủy lợi hồ Sông Sắt được đưa vào sử dụng phục vụ tưới cho hàng ngàn ha đã tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích sản xuất và chuyển sang định canh cây lúa nước. Được sự hỗ trợ của các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ định canh, định cư và đặc biệt là hỗ trợ khai hoang cải tạo đất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, đến nay, huyện Bác Ái đã mở rộng thêm hàng trăm hecta đất trồng lúa nâng tổng diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện lên trên 700 ha, tập trung ở các xã Phước Thắng, Phước Tiến, Phước Đại... Đồng chí Pinăng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết, từ khi có hệ thống nước thủy lợi, bà con đã chuyển hẳn từ làm lúa rẫy sang làm lúa nước rất hiệu quả. Từ chỗ canh tác theo tập quán lạc hậu “chọt lỗ tra hạt” năng suất thấp, những năm gần đây được sự đầu tư của Nhà nước, bà con đã chuyển đổi, phục hóa, khai hoang từng bước ổn định sản xuất 2 vụ lúa/năm cho năng suất cao, ít rủi ro so với trước.

Trong tiến trình phát triển, được sự đầu tư của Nhà nước nhất là xây dựng các công trình thủy lợi, cung cấp nguồn nước dồi dào, không chỉ huyện vùng cao Bác Ái mà nhiều địa phương cũng đã đẩy mạnh khai hoang, phục hóa đất sản xuất, nên diện tích đất trồng lúa trong những năm gần đây không ngừng được mở rộng. Năm 1992 toàn tỉnh chỉ có 28.713 ha đất trồng lúa, chủ yếu ở vùng đồng bằng ven sông, suối, thì đến nay diện tích lên đến trên 38.800 ha, chiếm trên 60% diện tích các loại cây trồng hàng năm của tỉnh.

Đến ứng dụng khoa học kỹ thuật

Cùng với việc mở rộng diện tích, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa cũng được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Các mô hình thâm canh cây lúa tiên tiến, thân thiện với môi trường như: “3 giảm, 3 tăng”, tiết kiệm nước, “1 phải, 5 giảm” được triển khai và phát huy hiệu quả thực tế trên đồng ruộng.

Ông Lê Văn Kiên, ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu là một trong những “lão nông” tích cực tham gia mô hình canh tác mới “1 phải, 5 giảm” do Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn. Nhờ tuân thủ các bước canh tác và sử dụng thuốc phân hợp lý, sau 2 vụ sản xuất vừa qua, năng suất lúa gia đình ông luôn đạt trên 8 tạ/sào, chất lượng gạo tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi chi phí đầu tư giảm gần 1/3 so với trước. Từ thành công bước đầu, hiện nay gia đình ông đang tiếp tục thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” trên 2 ha lúa giống hứa hẹn không chỉ cho năng suất mà hiệu quả hàng hóa cao hơn trước. Chia sẻ với chúng tôi, ông Kiên cho biết: Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật đã đem lại cho bà con nông dân nhiều kinh nghiệm quý báu vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đây là cơ sở để bà con tiếp tục nhân rộng mô hình, nâng cao hiệu quả, thu nhập từ cây lúa.

Một trong những thay đổi quan trọng trong quy trình canh tác cây lúa những năm gần đây là việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đã qua rồi cái thời “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, người nông dân phải một nắng hai sương còng lưng gặt hái. Hôm nay, trên khắp các ruộng đồng từ đồng bằng đến miền núi, nhộn nhịp các loại máy cày, máy kéo, máy gặt đập hỗn hợp đang dần thay thế sức người. Nhà nông đã được giải phóng sức lao động trong nhiều khâu sản xuất, áp lực công lao động trong thời điểm thu hoạch rộ không còn, lại hạn chế thất thoát trong khâu thu hoạch và tiết kiệm chi phí, thời gian làm đất và thu hoạch cũng được rút ngắn, đảm bảo lịch thời vụ và tăng hệ số vòng quay đất. Qua đó, người nông dân có thêm thời gian, công sức để phát triển sản xuất, tạo thêm của cải vật chất cho xã hội và nâng cao đời sống kinh tế gia đình.

Cho những mùa vàng bội thu

Theo đà phát triển toàn diện của quy trình sản xuất cây lúa, diện mạo nền nông nghiệp hiện đại đã từng bước hình thành. Với sự siêng năng, cần cù của người nông dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và nhà khoa học, năng suất và sản lượng lúa gạo toàn tỉnh những năm qua không ngừng tăng lên. Tính riêng năm 2011, nông dân toàn tỉnh đã sản xuất đạt trên 216.000 tấn lúa, tăng hơn 15% so với năm 2010, tăng hơn hai lần so với năm 1992. Lúa, gạo không chỉ đảm bảo nguồn cung cấp lương thực tại địa phương, mà còn được bán ra một số tỉnh, thành lân cận và xuất khẩu.

Cho biết về định hướng phát triển cây lúa trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Hiện ngành nông nghiệp đã quy hoạch tổng thể về phát triển cây lúa đến 2020. Trong đó có quy hoạch vùng sản xuất lúa giống cho năng suất và hiệu quả chất lượng cao; kết hợp xây dựng các cánh đồng mẫu lớn trên những xã sản xuất trọng điểm lúa của huyện Ninh Phước, với diện tích khoảng 30-50 ha để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sở Nông nghiệp sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư, Chi cục Bảo vệ thực vật tập huấn, hướng dẫn cho nông dân triển khai nhân rộng các mô hình, chương trình dự án có hiệu quả trên cây lúa để bà con áp dụng đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Với những hiệu quả mà cây lúa mang lại và những điều kiện phát triển thuận lợi, tin rằng nông dân tỉnh ta ngày càng thêm gắn bó với cây lúa và có thể yên tâm ổn định sản xuất đi lên làm giàu với loại cây trồng truyền thống này.