Bảo đảm nước tưới cho sản xuất vụ hè - thu

(NTO) Những cơn mưa do ảnh hưởng cơn bão số 1 trong các ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 được ví là “mưa vàng, mưa bạc” khi tưới mát các cánh đồng khô cằn đang kêu khát, hạn chế nguy cơ cháy rừng mùa khô và đặc biệt các hồ chứa trong tỉnh được bổ sung nguồn nước nhất định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hường, Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, cho biết: “Những cơn mưa vừa qua nông dân mừng lắm. Riêng các hồ chứa đã tích thêm được khoảng 25 triệu m3 nước”.

 Công trình thủy lợi hồ Sông Trâu có sức chứa 31 triệu mét khối nước phục vụ tưới 3.000 ha
đất sản xuất nông nghiệp thuộc huyện Thuận Bắc.

Trước đợt mưa, ngoại trừ hồ Sông Sắt và hệ thống thủy lợi Sông Pha-Nha Trinh-Lâm Cấm, nhiều hồ đập còn lại trên địa bàn tỉnh đã xuống đến mực nước chết hoặc đe dọa sắp cạn kiệt. Nắng, gió gây bốc hơi nước và lượng mưa trung bình trong 2 tháng đầu năm không đáng kể đã làm giảm mạnh nguồn nước bổ sung vào các hồ; riêng 3 hồ Tân Giang, Sông Trâu và Thành Sơn chỉ còn đủ nước phục vụ tưới cho diện tích cây trồng vụ đông - xuân, phục vụ sinh hoạt cho người và cho chăn nuôi. Một số hồ chứa như CK7, Suối Lớn, Bàu Ngứ, Ông Kinh, Tà Ranh, Phước Nhơn, Ma Trai, Ba Chi đều đang cạn dần nước, phải đóng cống ngừng sản xuất hoặc tưới bơm, trong đó hồ Ông Kinh có dung tích thiết kế 834 ngàn m3 nước chỉ còn trơ đáy. Qua khảo sát của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, nếu ngày 30-3, dung tích nước các hồ lớn còn rất thấp thì đến ngày 4-4 nước tích tại hồ Sông Sắt đã lên 36,156 triệu m3 nước (đạt tỷ lệ 52,15% so với dung tích thiết kế), hồ Sông Trâu lên 9,866 triệu m3(31,29%) và hồ Tân Giang lên 7,657 triệu m3 (57,18%). Các hồ nhỏ, không kể hồ Phước Nhơn, cũng đều tích nước kha khá, thấp nhất như hồ Ông Kinh cũng đã tích 8% và cao nhất là hồ Thành Sơn tích được 43,51% so với dung tích thiết kế. Đặc biệt hồ chứa Đơn Dương (Lâm Đồng) đã tích thêm 32,755 triệu m3 nước, nâng dung tích chứa lên 105,465 triệu m3 nước (63,91%) đã giúp ổn định nguồn nước cho hệ thống thủy lợi Sông Pha-Nha Trinh-Lâm Cấm, vốn có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới cho canh tác nông nghiệp, nước sinh hoạt và nước phục vụ cho chăn nuôi của tỉnh ta.

Hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm.

Tuy nhiên, có nước tích trong các hồ không có nghĩa là đã đủ nước tưới cho vụ hè -thu. Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Quản lý nước của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cảnh báo: “Lượng mưa tích nước các hồ trong tỉnh chỉ giải quyết một phần diện tích sản xuất vụ hè -thu, bà con nông dân không nên chủ quan tự ý gieo trồng ngoài kế hoạch”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần cuối tháng 3, nhận định có khả năng rất lớn sẽ xảy ra hạn hán trong sản xuất vụ hè -thu nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai phương án phòng, chống hạn trong vụ với kế hoạch dự kiến gieo trồng tổng diện tích trên 20.500 ha, trong đó riêng cây lúa là 10.995 ha. Dù đợt mưa kể trên đã giúp ích rất nhiều cho sản xuất nông nghiệp, nhưng khả năng thiếu nước tưới trong vụ hè -thu là có cơ sở. Vì vậy, sau đợt mưa, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã làm việc với các ngành, địa phương lên kế hoạch bắt đầu gieo cấy vụ hè -thu từ 1-5 nhưng phải có sự phối hợp với công ty trong việc cân đối nước tưới. Thực ra, trong tổng diện tích gieo trồng cả tỉnh đã có trên 15.000 ha là thuộc vùng tưới hệ thống thủy lợi Sông Pha-Nha Trinh-Lâm Cấm, điều đáng lo chính là trên 5.000 ha còn lại chịu ảnh hưởng tưới của các hồ khác trong tỉnh. Theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, vùng cuối hệ thống kênh tưới hồ Tân Giang như các xã Phước Ninh, Phước Nam (Thuận Nam) chỉ xuống giống khoảng 1.000 ha; vùng tưới thuộc hệ thống hồ Sông Trâu (Thuận Bắc) và 150 ha lúa thuộc hệ thống tưới hồ Thành Sơn nên ngừng xuống giống vụ hè thu. Nếu trong tháng 5 tiếp tục có mưa, các vùng trọng điểm thiếu nước này sẽ triển khai gieo trồng. Riêng hệ thống tưới kênh chính Nam sẽ xuống giống muộn hơn trong tháng 6 do đóng nước cải tạo đoạn đầu và đoạn cuối kênh.

Nông dân xã Phước Hà, huyện Thuận Nam sử dụng nguồn nước tưới
của hồ Tân Giang phục vụ sản xuất vụ hè- thu.

Như vậy có thể thấy, tình trạng thiếu nước sản xuất vụ hè -thu có khả năng xảy ra cục bộ trên các diện tích lúa thuộc hệ thống tưới hồ Tân Giang, Thành Sơn và một số hồ đập nhỏ trên địa bàn huyện Ninh Phước, Thuận Nam, vốn là vùng đang gặp khó khăn về nước tưới ngay từ cuối vụ đông - xuân (trước đợt mưa). Ông Phạm Văn Hường, cho biết thêm: “Để tránh thiệt hại sản xuất, không có giải pháp nào khác là người dân phải chấp hành kế hoạch gieo trồng, không được tự ý gieo trồng ngoài kế hoạch, nhất là ở các vùng tưới của hồ đập trong tỉnh. Cùng với việc tuân thủ lịch tưới luân phiên và sử dụng nước tiết kiệm, đề nghị các địa phương cương quyết chỉ đạo sản xuất đúng lịch thời vụ và khuyến cáo nông dân không được tự ý gieo trồng nếu thời tiết vẫn chưa có mưa nhiều”.

Đồng chí Lưu Khoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn:

Vụ hè- thu năm nay có nguy cơ thiếu nước, nên việc đảm bảo nước tưới luôn được quan tâm đặc biệt khi vào vụ sản xuất. Ngành đã có phương án cụ thể trên từng xứ đồng, từng hệ thống tưới tiêu. Việc triển khai và thực hiện sẽ linh động theo diễn biến thời tiết và được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời điểm. Một số vùng có nguy cơ thiếu nước như hệ thống tưới hồ Tân Giang (Thuận Nam), hồ Sông Trâu (Thuận Bắc), hồ Thành Sơn (Ninh Hải) được khuyến cáo chỉ gieo trồng tại những vùng, những đoạn kênh có nước. Vừa qua, do ảnh hưởng bão số 1, mưa lớn trên diện rộng đã bổ sung một lượng nước đáng kể vào các hồ thủy lợi trên địa bàn. Do vậy, nhiều khả năng số diện tích các khu vực này vẫn tiếp tục xuống giống trong vụ hè thu tới. Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan tổ chức gieo trồng sớm, gieo ngoài diện tích khuyến cáo để tránh việc thiếu nước tưới vào cuối vụ.

Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi tiếp tục theo dõi lượng nước tích tại các hồ đập, trên cơ sở đó tính toán lại diện tích gieo trồng cho từng địa phương.
Đồng chí Lê Hưng Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước:

Hiện nay, huyện Ninh Phước có trên 12.000 ha diện tích gieo trồng nhận nước tưới từ hệ thống kênh Nam, trong đó có hơn 4.300 ha lúa. Để khắc phục tình hình hạn hán, đặc biệt là đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất vụ hè -thu sắp tới, huyện đã có kế hoạch chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Khuyến cáo nông dân sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày, kháng sâu bệnh, dễ chăm sóc, kết hợp áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Các địa phương chỉ đạo nông dân tập trung gieo trồng dứt điểm trong thời gian 1 tháng để tận dụng, tiết kiệm nước và không bị ảnh hưởng của thời tiết vào cuối vụ. Từ 15-4 đến 30-5, hệ thống kênh chính Nam đóng nước để nâng cấp, cải tạo, vì vậy, UBND huyện cũng đã có kế hoạch triển khai đến từng địa phương, để người dân nắm lịch chủ động sản xuất.
Đồng chí Lưu Ngọc Lễ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thuận Nam:

Để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè-thu năm nay, huyện Thuận Nam chú trọng các giải pháp điều tiết nước, để khắc phục tình trạng khô hạn xảy ra. Qua khảo sát, tổng dung tích tại các hồ chứa trên địa bàn huyện vào khoảng 10 triệu mét khối nước, khả năng đáp ứng nhu cầu cho khoảng 1.000ha diện tích gieo trồng. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu, huyện có chủ trương khống chế 50% diện tích, chỉ cho xuống giống vụ hè thu 500ha lúa tại 2 xã Phước Hà và Nhị Hà, bắt đầu gieo sạ ngày 1-5 đến ngày 30-5 thì dứt vụ. Phòng Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo đến nông dân tuân thủ lịch thời vụ, các trạm thủy nông thực hiện điều tiết nước hợp lý.