Thị trường bán lẻ Việt Nam nhiều tín hiệu khả quan

Thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhất là khi người tiêu dùng ở các đô thị lớn đang có khuynh hướng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị lớn và cửa hàng hiện đại.

Báo cáo mới công bố ngày 5/4 của Savills Việt Nam cho biết, kết thúc quý I/2012, tổng diện tích bán lẻ của thị trường Hà Nội đạt gần 660.000m2, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, công suất thuê trung bình ở mức cao, khoảng 90%.

Savills dự báo, trong 3 năm tới sẽ có thêm khoảng 1,6 triệu m2 sàn thương mại từ 90 dự án gia nhập thị trường bán lẻ Hà Nội, chủ yếu tập trung ở các quận vành đai như Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Xuân.

Công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson Sofres tại Việt Nam nhận xét, tỷ lệ tăng trưởng của thị trường tiêu dùng Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Dự báo từ nay đến năm 2014, doanh số bán lẻ tại Việt Nam có thể tăng 23%/năm.

Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhất là khi người tiêu dùng ở các đô thị lớn đang có khuynh hướng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị lớn và cửa hàng hiện đại.

Trong báo cáo mới nhất về thị trường bán lẻ của Việt Nam, trang mạng Research and Markets khẳng định Việt Nam là 1 trong 5 thị trường bán lẻ sinh lời nhiều nhất thế giới.

Báo cáo nghiên cứu “Dự báo thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2014” của Research and Markets cho biết các kênh bán lẻ hiện đại sẽ đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển thị trường tiêu dùng tương lai tại Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 5 năm qua, hơn 300 siêu thị, 62 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi theo mô hình hiện đại đã được thành lập mới trong cả nước, hình thành những chuỗi cửa hàng bán lẻ có thương hiệu như Saigon Coopmart, Hapro, Intimex...

Không những thế, nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài cũng đang ráo riết tìm kiếm cơ hội gia nhập vào thị trường Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là Tập đoàn Aeon của Nhật Bản đang chuẩn bị cho việc phát triển mạng lưới bán lẻ với nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm và trung tâm thương mại tổng hợp.

Các thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới như Lotte, Emart của Hàn Quốc hay Metro, Casino của Pháp và Parkson của Malaysia cũng đang đầu tư phát triển quy mô kinh doanh hiện nay ở Việt Nam. Tập đoàn ECC của Hà Lan đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường gần 90 triệu dân này.

Giới chuyên gia dự đoán thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt quy mô 113 tỷ USD trong năm 2012.

Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ cả năm 2011 đạt 1.994 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 29,3% so với năm trước. Một mức tăng trưởng khá ấn tượng trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng thị trường bán lẻ năm 2011 vẫn đạt quy mô khá, xấp xỉ 90 tỷ USD, đóng góp 15-16% GDP của cả nước. Lý do chính là quy mô thị trường đã được mở rộng từ những năm trước, nhu cầu tiêu dùng của 87 triệu dân không ngừng tăng trưởng.

Bộ Công Thương định hướng năm 2012, vấn đề hàng đầu của ngành bán lẻ là hoàn thành quy hoạch và phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, từng bước phát triển hệ thống phân phối hiện đại tại các thành phố, đô thị lớn, trong đó ưu tiên hàng Việt Nam.

Như vậy, định hướng đối với thị trường bán lẻ năm 2012 và nhiều năm tới là phát triển bền vững, hỗ trợ hợp lý cho sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường nội địa. 

Nguồn www.chinhphu.vn