Tháng 3-2012, CPI trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm

(NTO) Tháng 3-2012 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của cả nước chỉ tăng nhẹ và đứng ở mức 0,16% so với tháng trước. Đối với tỉnh ta CPI trong tháng cũng chỉ tăng 0,14%, thấp hơn 1,07% so với chỉ số tăng của tháng 2-2012. Trong đó chỉ số nhóm hàng hoá tăng 0,21% và chỉ số nhóm dịch vụ giảm 0,01%. Đáng nói là giá cả có xu hướng đảo chiều, tăng ở khu vực thành thị và giảm ở khu vực nông thôn .

Nhìn lại trong “rổ” 11 nhóm hàng hóa thiết yếu cho thấy hầu hết đều giảm. Nếu tháng hai vừa qua nhóm hàng ăn tăng 1,45% thì sang tháng ba chỉ số tăng đã giảm dưới 1 con số và ở mức 0,99%. Góp phần đẩy lùi tăng giá này do mặt hàng lương thực tiếp tục giảm giá, thực phẩm tăng từ 2,48% của tháng trước xuống còn 0,98%, ăn uống ngoài gia đình cũng từ 1,92% xuống còn 0,41%. Có thể nói nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm đã chi phối đến chỉ số CPI trong tháng. Ngoài ra, một số nhóm hàng hóa khác cũng giảm đáng kể như giao thông từ chỉ số tăng 1,63% của tháng hai xuống còn 0,19% của tháng 3; nhóm hàng hóa khác từ 2,19% xuống còn 0,58%. Giá vàng giảm mạnh, từ 4,91% chỉ số tăng của tháng trước đến tháng ba chỉ tăng nhẹ ở mức hơn 0,98%. Giá đô la Mỹ tiếp tục ổn định và chỉ tăng 0,99%. Diễn biến này đúng với xu hướng hàng năm là giá cả thị trường sau tết Nguyên Đán thường giảm xuống sau khi đã tăng cao vào dịp tết. Như vậy, tính chung 3 tháng đầu năm CPI trên địa bàn tỉnh tăng 2,51% so với tháng 12-2011.

Khách hàng mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, nhìn chung việc tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng trong quý như đã nêu trên là do một số nguyên nhân chủ yếu như thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán 2012 kéo dài cộng với nhu cầu tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ vui chơi giải trí sau tết cũng tiếp tục tăng nên giá cả tăng theo. Mặt khác, do điều chỉnh giá điện tăng 5% vào cuối năm 2011 thay vì điều chỉnh tăng đầu tháng 3 như các năm trước, đồng thời việc điều chỉnh tăng đồng loạt giá xăng dầu; giá gas trên thị trường tăng và nhiều mặt hàng hoá mỹ phẩm và sữa có mức tăng từ 5%-13% do nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng…làm cho CPI quý I/2012 tăng cao.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ ĐÔ LA MỸ TOÀN TỈNH THÁNG 3-2012 (ĐƠN VỊ TÍNH: %)

Theo dự báo, tháng 4-2012 giá cả một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng thiết yếu khác sẽ bình ổn. Đây thực sự là tin vui đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan đối với việc kiểm soát giá cả trên thị trường bởi lẽ cũng theo các nhà chuyên môn thì còn nhiều yếu tố gây “áp lực” cho việc kiềm chế lạm phát nói chung. Trong đó, đáng nói là các mặt hàng như điện, xăng dầu…sẽ tăng tác động đến nhiều ngành sản xuất và dịch vụ.