Phước Trung anh hùng hôm nay

(NTO) Nhắc đến xã Phước Trung, huyện Bác Ái ai cũng biết bởi tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây; đồng thời cũng là quê hương của hai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Pi-năng Thạnh và Chamaléa Châu.

Sau 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xã Phước Trung đã thay đổi từng ngày, những cánh đồng lúa xanh ngát, những ngôi nhà xây khang trang và những con đường bê-tông đã chứng minh cho sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất một thời chịu đựng những trận bom, đạn, càn quét của quân thù.

Anh hùng LLVT Pinăng Thạnh (bên trái) và Anh hùng LLVT Chamaleá Châu
phát huy vai trò anh hùng đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Phước Trung
Ảnh: Sơn Ngọc

Sau ngày đất nước giải phóng, đồng bào Phước Trung không ngừng ra sức xây dựng và hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung tăng gia sản xuất, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống. Xuất phát điểm là một xã nằm trong vùng khô hạn, trình độ dân trí thấp, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao; chính vì thế trong thời gian qua, tranh thủ từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương, các công trình thủy lợi, công trình phục vụ dân sinh đã được quan tâm đầu tư xây dựng giúp đồng bào nơi đây có điền kiện sản xuất, ổn định cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở hướng dẫn cách canh tác mới, áp dụng các tiến bộ khoa học, khuyến nông, khuyến lâm cho bà con, nên hiện nay đồng bào nơi đây đều biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trồng lúa nước, bắp, các loại hoa màu.

 
Một góc xã Phước Trung ngày nay. Ảnh: Văn Miên

Phước Trung có 519 hộ, đồng bào dân tộc Raglai chiếm 96%, tính đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 42% (giảm 24,53% so với năm 2010). Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết: “Đến nay hộ đói đã không còn, hộ nghèo cũng đã giảm đáng kể, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, hầu hết các hộ đều trang bị đầy đủ các phương tiện sinh hoạt trong gia đình. Là một xã anh hùng, hầu hết các gia đình đồng bào nơi đây đều là những gia đình có công với cách mạng nên những năm qua công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương cho công tác xóa đói, giảm nghèo, vốn giải quyết việc làm, vốn dành cho các dự án... đã tạo điều kiện cho hàng trăm gia đình chính sách vay vốn để phát triển sản xuất. Nhờ vậy, hầu hết các hộ có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”. Để giúp cho đồng bào Phước Trung mở rộng diện tích sản xuất tỉnh đã đầu tư xây dựng cho xã Phước Trung 2 hồ thủy lợi là hồ Phước Trung và hồ Phước Nhơn có tổng dung tích chứa trên 3,2 triệu m3, với tổng kinh phí đầu tư hơn 122 tỷ đồng, đáp ứng nguồn nước tưới ở tất cả các thôn trong xã…

 
Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đổng xây dựng hệ thống giao thông nông thôn
đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân xã Phước Trung. Ảnh: Sơn Ngọc

Song song với việc đẩy mạnh thâm canh trong sản xuất, chăn nuôi gia súc được coi là thế mạnh của Phước Trung. Trên địa bàn xã hiện có đàn bò trên 1.740 con, đàn trâu 34 con và đàn dê, cừu 676 con; mô hình chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng trang trại, bán thâm canh cũng được đồng bào xã Phước Trung quan tâm, phát triển mạnh. Thấy được hiệu quả của mô hình chăn nuôi, đồng bào Phước Trung đã mạnh dạn đầu tư và vay vốn ngân hàng chuyển sang chăn nuôi gia súc có sừng, tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Cũng theo ông Ngô Thanh Lâm, không chỉ hướng đến phát triển kinh tế, công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí cho nhân dân cũng từng bước được quan tâm. Trạm y tế được đầu tư xây dựng, trang bị thêm các dụng cụ khám chữa bệnh, đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường, tạo điều kiện cho bà con có nơi khám và điều trị bệnh ban đầu, xóa dần các tập tục lạc hậu như cúng bái khi có bệnh. Nhiều ngôi trường kiên cố, khang trang mọc lên tạo điều kiện cho công tác dạy và học, con em đồng bào được cắp sách đến trường, không phải đi học xa và nghỉ học giữa chừng như trước đây. Và mới đây, từ Chương trình 167 của Chính phủ đã giúp 104 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở có được những ngôi nhà khang trang để họ yên tâm làm ăn, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

 
Nông dân xã Phước Trung chủ động đào ao, mở rộng diện tích trồng lúa nước đạt năng suất cao.
Trong ảnh: Mùa thu hoạch lúa đông xuân của gia đình chị Tain Thị Phin ở thôn Đồng Dày đạt năng suất 60 tạ/ha.
Ảnh: Sơn Ngọc

Là người con Raglai của xã Phước Trung anh hùng, anh Chamaléa Anh ở thôn Đồng Dày tâm sự: Trước đây đời sống còn nhiều khó khăn, nay nhờ có thủy lợi, bà con đã khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, chăn nuôi, đã có đủ cái ăn, nhiều người đã giàu có. Các công trình như điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi đều đã đến được với đồng bào nơi đây”. Người dân Phước Trung hôm nay tự hào về quá khứ hào hùng của quê hương. Truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước đã được Đảng bộ và đồng bào Phước Trung kế thừa, phát huy, nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình trong hành trình xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.