Sưu tập tư liệu về Bác để có thái độ sống tích cực hơn

Từ 4 năm nay, ông Nguyễn Thế Bảo, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Long Bình, xã An Hải (Ninh Phước) đã không ngừng theo dõi trên Báo Ninh Thuận, hễ thấy có đăng lời dạy hoặc mẩu chuyện kể về tấm gương đạo đức của Bác Hồ là cắt ra dán vào cuốn sổ dày. Ông nói: “Tôi sưu tập không chỉ tư liệu về Bác mà cả những bài báo viết về các cá nhân, tập thể điển hình làm theo tấm gương của Bác, mục đích là để tự răn mình có thái độ sống tích cực hơn với cộng đồng, xóm giềng”.

(NTO) Cuốn sổ có hơn 120 bức ảnh, lời dạy và hàng chục mẩu chuyện kể về cuộc đời hoạt động của Bác đã được ông Bảo trân trọng giữ gìn như bảo vật. Lúc nào rảnh là ông lấy ra đọc say mê và thường đem kể trong các buổi họp dân, sinh hoạt đoàn thể của thôn. Ở tuổi 72, sức khỏe yếu, lại là một nông dân nghèo, ông chọn việc “làm theo” bằng cách tham gia nhiệt tình công tác xã hội của thôn, xã. Tính trong cả 2 thôn Long Bình 1, Long Bình 2, có trên 390 người tuổi từ 60 đến 90. Để có thể chăm sóc những người già có hoàn cảnh khó khăn, ông bàn với các thành viên trong chi hội vận động gây quỹ. Từ nguồn quỹ này, mỗi khi có cụ nào đau ốm là đến thăm hỏi, hỗ trợ, động viên, nếu có cụ qua đời sẽ lo liêu việc tang lễ. Có lần một thanh niên thuộc gia đình rất nghèo trong thôn đến nhà ông khóc kể, mẹ anh bị bệnh vừa mất, cha lại đau yếu nên anh không biết xoay xở ra sao. Nghe thế ông liền ứng tiền túi và cùng gia đình anh lo liệu chu đáo việc chôn cất cho người quá cố, coi như một trách nhiệm của mình.

Ông Nguyễn Thế Bảo luôn tìm đọc các mẩu chuyện kể về tấm gương đạo đức
của Bác Hồ đăng trên Báo Ninh Thuận

Với vai trò của một người cao tuổi có uy tín trong thôn, thường khi có chuyện mâu thuẫn, xích mích xảy ra, ông lại được mời đến hòa giải. Một lần có vụ vợ chồng kiện cáo nhau đòi phân chia tài sản, tưởng đâu phải có chính quyền giải quyết mới xong nhưng nhờ cách phân tích hợp tình, hợp lý của ông, đơn thưa kiện được rút lại. Lần nọ, cách nhà ông không xa có 2 gia đình tranh chấp nhau về chuyện hàng rào, cãi vã nhau gay gắt có nguy cơ dẫn đến ẩu đả. Biết chuyện, ông đã đến can ngăn và dùng lời lẽ ôn tồn vận động mọi người bình tĩnh; rồi cũng qua phân tích lý lẽ, ông hòa giải thành công. Ở thôn quê, không tránh được chuyện gà qué ăn phá của hàng xóm, cho nên có khi chuyện nhỏ không đáng gì cũng có thể thành chuyện lớn nếu không ngăn chặn kịp thời. Hiểu rõ điều đó, ông tích cực làm công tác hòa giải, có dịp là đem lời Bác dạy truyền đạt lại và nhắc nhở mọi người hãy sống chan hòa “tình làng, nghĩa xóm” với nhau.

Điều mà ông băn khoăn là việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ. Không có điều kiện tiếp cận họ nên mỗi đợt kiểm điểm thanh-thiếu niên hư hỏng trước nhân dân, ông tranh thủ vừa góp ý, vừa khuyên răn và không quên lồng vào đó là kể cho các thanh niên có mặt nghe chuyện về Bác, về sự quan tâm cũng như lời dạy của Bác đối với thanh niên. Ông tâm sự: “Tôi thường trao đổi với các cụ, các bậc cha mẹ trong thôn là muốn dạy dỗ thế hệ trẻ, chỉ có cách hay nhất là mình sống mẫu mực, nêu gương cho con cháu noi theo, ngẫm ra đó cũng là hành động thiết thực làm theo tấm gương đạo đức của Bác”.