(NTO) Trong niềm vui mừng, phấn khởi, niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ kính yêu, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, làm rạng rỡ dân tộc ta và non sông đất nước ta.
Trong xây dựng, rèn luyện Đảng ta, Bác Hồ đặc biệt chú ý tính hệ thống, cơ bản, toàn diện và thiết thực: từ tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức đến phương thức lãnh đạo và phong cách công tác. Về đạo đức, Bác Hồ cho rằng đạo đức cách mạng là cái “gốc”, cái nền của người cán bộ, đảng viên. Trong xây dựng, rèn luyện Đảng, không thể thiếu việc xây dựng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ mối quan hệ giữa đạo đức của Đảng, đạo đức cộng sản với đạo đức xã hội, đạo đức công dân; đạo đức của người đảng viên với đạo đức của người lãnh đạo. Người đòi hỏi đảng viên phải “đi trước, làng nước theo sau”, nói và làm phải đi liền, phải thống nhất với nhau. Hồ Chí Minh nhắc nhở nhiều lần rằng, cán bộ tốt thì việc gì cũng xong, cán bộ kém thì việc gì cũng không xong. Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và Nghị quyết của Đảng. Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Đạo đức cách mạng nghĩa là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Ngày 3-2-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo quan trọng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nhắc nhở toàn Đảng phấn đấu rèn luyện về đạo đức.
Thực hiện lời dạy của Người, trong lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, Đảng luôn coi trọng cả đức, tài, lấy đức làm gốc, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng nhằm hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị (khóa X) đã ra Chỉ thị 06 về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc vận động đã đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và yêu cầu rèn luyện phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như của tất cả các tầng lớp nhân dân.
Qua hơn 4 năm, cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng trong các tổ chức của hệ thống chính trị và toàn xã hội, làm cho toàn Đảng, toàn dân ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về những nội dung cơ bản, giá trị tinh thần to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thúc đẩy mạnh mẽ việc làm theo tấm gương đạo đức của Người. Kết quả bước đầu đã tạo được sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Năm 2012 và những năm tiếp theo, tiếp tục triển khai và đưa vào nền nếp việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 112-KH/TW ngày 3-8-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiêm túc nghiên cứu và học tập để quyết tâm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc học tập phải gắn với việc làm theo một cách thiết thực, cụ thể thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương, cơ sở. Mỗi cán bộ, đảng viên liên hệ bản thân, xây dựng kế hoạch cụ thể làm theo tấm gương của Bác, nội dung bao gồm cả việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, với đồng chí, đồng nghiệp… Xây dựng các chuẩn mực và cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức sát hợp với từng đối tượng cán bộ, đảng viên và nhân dân theo từng ngành nghề, vị trí công tác, lứa tuổi, giới, đặc điểm xã hội… “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc, tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”.
Với chuyên đề xuyên suốt đó, cấp ủy Đảng, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức để phấn đấu, rèn luyện với một số nội dung chủ yếu:
- Sống có lý tưởng, vì nước, vì dân, vì con người, vì xã hội.
- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trách nhiệm với công việc.
- Trung thực, tự trọng, trong sáng, giản dị, khiêm tốn.
- Tôn trọng pháp luật, kỷ cương.
- Đoàn kết, nhân ái.
- Suốt đời phấn đấu, rèn luyện, học tập.
- Chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp.
Đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ kính yêu, chúng ta cần ra sức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Người.
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn. Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi…”. Lời thơ ấy như nhắn nhủ, nhắc nhở suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta hôm nay tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình trong cuộc sống, để không hỗ thẹn với Bác, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ kính yêu.
Phương Nghi