Nông thôn Phước Hậu sau 30 năm phát triển

Là một trong những xã trọng điểm trồng lúa của huyện Ninh Phước với diện tích 950 ha cánh đồng lúa 3 vụ, trong những năm qua Phước Hậu đã ứng dụng triệt để khoa học- kỹ thuật và triển khai nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả. Đến đây vào đầu năm mới, trong quang cảnh nhộn nhịp của mùa thu hoạch lúa, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của một miền quê thanh bình nhân kỷ niệm 30 năm tái lập huyện nhà.

(NTO) Đề cập tới ngày kỷ niệm, đồng chí Võ Thành Đảo, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã Phước Hậu phấn khởi nói: “Đối với địa phương chúng tôi, đó là sự kiện đầy ý nghĩa, nó gợi nhớ về một thời còn lắm khó khăn và cổ vũ cho giai đoạn phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn”. Phước Hậu có diện tích tự nhiên 1.460 ha thì đã có 1.217 ha là đất nông nghiệp; toàn xã có gần 17.000 dân, trong đó gần 50% là đồng bào dân tộc Chăm.

Cổng Thôn văn hóa Trường Thọ (Phước Hậu) do nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng.

Nhiều người dân lớn tuổi ở Phước Hậu vẫn không quên hình ảnh miền quê mình ngày ấy: Không điện thắp sáng, không nước máy hợp vệ sinh và hệ thống giao thông (bao gồm liên xã và tỉnh lộ 703) chỉ có đường đất sỏi, mùa mưa sình lầy cản trở việc đi lại. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội gần như chẳng có gì đáng kể. Xuất phát điểm từ những cái ‘không” ấy, trong 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, người dân Phước Hậu đã chuyển dịch hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khai thác tiềm năng lợi thế làm thay đổi bộ mặt đời sống nông dân và nông thôn. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “tiết kiệm nước” và gần đây là “1 phải, 5 giảm” đã mang lại năng suất lúa cao, đặc biệt đã liên kết sản xuất lúa giống với diện tích khoảng 200 ha giúp nông dân tăng thu nhập gấp 1,8 lần so với lúa thương phẩm.

Nông dân huyện Ninh Phước đầu tư đưa thiết bị cơ giới vào đồng ruộng
nâng cao chất lượng nông sản, giảm thất thoát sau thu hoạch. Ảnh: Sơn Ngọc

Để khai thác thế mạnh về canh tác nông nghiệp của địa phương, nông dân đã biết đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất. Hiện nay toàn xã có 114 máy cày lớn nhỏ các loại, 22 chiếc máy gặt đập liên hợp và 6 xe tải nhỏ chuyên vận chuyển nông sản. Ông Đạt Chánh, một nông dân ở thôn Hiếu Lễ nhớ lại: “Sau khi hợp tác xã cũ không còn phát huy tác dụng là đến thời kỳ tự phát, mạnh ai nấy làm nên lúa trồng không hiệu quả. Nhưng mấy năm trở lại đây nhờ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch đã nâng năng suất lên gần 60 tạ/ha, hạn chế được sâu bệnh và tiết kiệm chi phí”. Đáng nói trong cơ cấu cây trồng đang có sự chuyển dịch sang trồng táo với diện tích 70 ha, phục hồi diện tích nho 10 ha. Riêng cây táo được coi là cây trồng rất thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở Phước Hậu. Ông Võ Đăng Phong ở thôn Trường Thọ cho biết: “Thu nhập 1 sào táo còn hơn 1 ha lúa 3 vụ, nhiều người dân nhờ táo mà trả dứt nợ ngân hàng hoặc cất được nhà cửa khang trang”. Sự phát triển sản xuất nông nghiệp đã thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nhà văn hóa Chăm, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, được nhà nước đầu tư xây dựng
phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập của nhân dân địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

Trong 30 năm qua, nhất là từ năm 1992 đến nay, diện mạo nông thôn mới của Phước Hậu dần hiện rõ. Ngoài hệ thống giao thông được trên quan tâm đầu tư nhựa hóa 11 km đường đi qua 4 thôn, Phước Hậu còn vận động nhân dân thực hiện (theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm) bê-tông hóa đường giao thông nội thôn khắp 7 thôn trong xã. Đầu năm mới, chúng tôi có dịp đi trên con đường nội đồng từ Hiếu Lễ qua Trường Thọ, Trường Sanh vừa hoàn thành, ghi nhận được nhiều ý kiến hồ hởi của người dân. Ông Nguyễn Văn Cung, cư dân thôn Trường Sanh bộc bạch: “Có được con đường này là có thêm triển vọng mới cho sản xuất, đời sống”. Đến xã Phước Hậu hôm nay nhìn thấy những công trình xây mới như hệ thống nước sinh hoạt, Bưu điện văn hóa xã, trụ sở Ban quản lý các thôn, trường học và chợ thôn, chúng tôi không khỏi vui lây khi chợt nhớ chuyện kể về Phước Hậu ngày ấy. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có bước cải thiện thấy rõ, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hàng năm, hiện cả xã có 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 99% hộ có phương tiện xe máy, nghe nhìn và trên 85% gia đình có nhà xây kiên cố. Phong trào học tập toàn dân ngày càng được phát huy, nổi bật là cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế.

Nông dân Ninh Phước áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nâng cao năng suất cây lúa.
Ảnh: Sơn Ngọc

Với kết cấu hạ tầng hiện có và dân trí ngày càng nâng lên, có thể nói Phước Hậu có điều kiện thuận lợi để bước vào xây dựng nông thôn mới theo chuẩn quốc gia. Đồng chí Võ Thành Đảo tâm sự: “30 năm có bao biến động nhưng nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính trong cơ cấu kinh tế của địa phương, vì vậy hướng tới tương lai một Phước Hậu mới, đảng bộ và nhân dân trong xã còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn”.