Nhìn lại thị trường trong tỉnh năm 2011

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 19,29% so với năm 2010

(NTO) Có thể nói năm 2011 vừa qua, thị trường giá cả trong nước diễn biến khá phức tạp và không theo qui luật chung như những năm trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là do sau Tết Nguyên đán Tân Mão, với sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện, tỷ giá đồng USD, lãi suất ngân hàng,… cộng với tác động của thị trường thế giới… đã kéo theo sự tăng giá đồng loạt của nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ dẫn đến thị trường có những biến động nhất định. Lạm phát tăng cao cũng ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Những yếu tố trên đã tác động trực tiếp đến thị trường nội tỉnh. Tuy nhiên, Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và của tỉnh, giá cả hàng hóa tiêu dùng đã được kéo giảm trong những tháng cuối năm và từng bước đi vào « quỹ đạo » bình ổn. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tháng 12-2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh tăng 0,61% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,63%, nông thôn tăng 0,97%). Trong đó chỉ số nhóm hàng hoá tăng 0,60% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 0,97%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 0,14%) và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,64%. Như vậy, so với tháng 12-2010 chỉ số CPI 12 tháng trên địa bàn tỉnh đã tăng 19,29%.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ ĐÔ LA MỸ
TOÀN TỈNH THÁNG 11/2011

Điều cũng đáng lưu ý là mặc dù giá cả thị trường lên, xuống có phần thất thường như đã nêu trên nhưng sức mua không ảnh hưởng lớn. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2011 đạt trên 7.873 tỷ đồng, tăng 22,7% so cùng kỳ. trong đó, ngành thương nghiệp đạt 6.310,4 tỷ đồng, tăng 20,9%; khách sạn nhà hàng đạt 973,4 tỷ đồng, tăng 21,8%; du lịch lữ hành đạt 2,7 tỷ đồng, tăng 21,7%; dịch vụ đạt 586,7 tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm 2010. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nhìn chung tổng mức bán ra của các thành phần kinh tế đều tăng, nhất là khu vực kinh tế cá thể, tập thể và khu vực kinh tế tư nhân. Tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại hấp dẫn như chương trình rút thăm trúng thưởng, chương trình giảm giá hàng bán, quà tặng kèm theo đã kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. Ngoài ra, một số ngành dịch vụ cũng đã gặt hái được nhiều thành công như ngành du lịch, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch có chuyển biến, thông qua việc tổ chức các hoạt động, các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao và các hội nghị, hội thảo quốc gia được tổ chức trên địa bàn; đồng thời đã kết hợp khai thác tốt hơn các tour du lịch gắn với các điểm du lịch văn hoá, làng nghề, du lịch sinh thái, nên lượng du khách đến tỉnh tăng khá, với hơn 820 ngàn lượt, tăng 17,2% so cùng kỳ. Hay như ở dịch vụ bưu chính viễn thông, hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet được tăng cường và mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, mở rộng quy mô phủ sóng điện thoại di động, phát triển nhiều dịch vụ mới như dịch vụ truy cập Internet thông qua mạng thông tin di động 3G, hoặc dịch vụ truyền hình MyTV), chất lượng dịch vụ được nâng cao với giá ngày càng rẻ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về thông tin liên lạc của người dân ở các vùng miền, rút ngắn khoảng cách số giữa nông thôn và thành phố. Năm 2011 toàn tỉnh phát triển mới 4.250 thuê bao điện thoại cố định và di động trả sau, nâng tổng số máy hiện có lên 143.871 máy điện thoại (trong đó: điện thoại cố định 123.760 máy, điện thoại di động trả sau 20.111 máy) đạt mật độ 24 máy/100 dân.