Phát triển thương hiệu OCOP Ninh Thuận

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo ra nhiều tác động tích cực cho phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là vùng nông thôn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả và sức lan tỏa của chương trình.

Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

Để khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia chương trình OCOP, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách. Trong đó, UBND tỉnh phê duyệt đề án và ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 và 2022-2025; đề ra 15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Sản phẩm OCOP của hộ kinh doanh Xứ Phan
tại Tuần lễ quảng bá Sàn thương mại điện tử Ninh Thuận. Ảnh: Anh Thi

Về nguồn lực, các ngành, địa phương lồng ghép và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực gắn kết chương trình OCOP với các chương trình, các dự án thông qua nguồn vốn trung ương và nguồn huy động hợp pháp khác. Theo đó, trên 50 tỷ đồng đã được phân bổ nhằm hỗ trợ các tổ chức kinh tế, HTX, DN nhỏ và vừa xây dựng chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; hỗ trợ áp dụng công nghệ mới vào sản suất, đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại; đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, triển lãm và xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa, các tuyến du lịch mua sắm và trải nghiệm ngay tại các cơ sở sản xuất.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu có từ 120-140 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, có từ 2-3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị trung ương đánh giá, công nhận cấp quốc gia. Sau 4 năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của các cấp, ban, ngành và các chủ thể, đến thời điểm này, tỉnh ta đã có 182 sản phẩm được công nhận (vượt 130% so với kế hoạch). Trong đó, có 152 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 30 sản phẩm đạt 4 sao; 2 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao là nước mắm CaNa với 32 và 42 độ đạm. Qua thống kê cho thấy, so với năm 2020, số lượng sản phẩm OCOP đã tăng lên 2,6 lần, số lượng chủ thể ban đầu từ 18 chủ thể đã mở rộng lên 77 chủ thể (gấp 4,3 lần) với 18 HTX (chiếm 23,7%), 29 DN (37,6%) và 30 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh (38,9%).

Phân loại táo tại Trang trại nho Ba Mọi. Ảnh: Phan Bình

Danh mục các sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc, mang đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế tài nguyên địa phương. Đặc biệt là những sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề dựa trên các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu như: Nho, táo, hành, tỏi, dưa lưới, măng tây xanh, nha đam, nước mắm, thịt dê, thịt cừu, rong sụn, muối hạt, rượu chuối hột, giấm táo... cho đến các sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn, văn hóa bản địa. Trong số các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có không ít sản phẩm đã xuất khẩu sang nước ngoài, nổi bật như Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt xuất khẩu nha đam tới 20 quốc gia khác nhau kể cả những thị trường khó tính như: Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ; Công ty TNHH Nước mắm CaNa đã được Mỹ cấp chứng nhận FDA và đang hoàn tất thủ tục để xuất khẩu sang thị trường này.

Tăng cường số hóa, đẩy mạnh thương mại hóa

Tận dụng thế mạnh của thương mại điện tử (TMĐT), một kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả trong và ngoài nước, các chủ thể OCOP hiện đang tiếp cận và khẳng định “lên sàn” là nhiệm vụ hàng đầu để mở rộng thị trường cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, ngành tập trung thực hiện một số giải pháp như: Ưu tiên nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các thị trường trọng điểm trong nước và xuất khẩu; đa dạng hóa các kênh xúc tiến thương mại, nhất là TMĐT; đề xuất Bộ Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cấp vùng; chú trọng tổ chức các sự kiện để quảng bá và kích cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua lễ hội, hội chợ thương mại, cuộc vận động, phiên chợ hàng Việt...

Với sự kết nối của ngành Công Thương, hầu hết các sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh đã được đưa vào các kênh phân phối của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên cả nước: AEON, MM Mega Market, Saigon Co.op, WinMart, WinMart+... Đối với sàn giao dịch TMĐT của tỉnh (http://sanphamninhthuan.com), hiện có hơn 300 sản phẩm của 92 đơn vị, trong đó có 123 sản phẩm OCOP của 50 chủ thể đã được hỗ trợ đưa lên sàn. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP, đặc thù của Ninh Thuận cũng đã tham gia các sàn giao dịch trong nước và nước ngoài như: Voso, Postmart, Sendo, Shopee, Lazada, Alibaba, Amazon và có mặt tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Du khách đến tham quan và mua đặc sản Ninh Thuận tại vườn nho Thái An (Ninh Hải). Ảnh: V.M

Bên cạnh đó, để bảo đảm sản phẩm OCOP được tiêu thụ ổn định, mở rộng thị trường, UBND tỉnh chú trọng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch: Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận, Lễ hội ẩm thực, Festival lướt ván diều quốc tế...

Nhiều DN, chủ thể OCOP đã chủ động đầu tư chi phí để xây dựng website, fanpage, thuê đơn vị truyền thông quảng bá hình ảnh... Bà Trần Gia Minh Châu, chủ hộ kinh doanh Xứ Phan (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Hiện nay, ngoài phương thức bán hàng truyền thống thì bán hàng qua các kênh TMĐT chiếm hơn 60% thị phần của chúng tôi. Việc nhận đơn đặt hàng qua Zalo, Facebook, gian hàng trên sàn và website đã ngày càng trở thành công việc thường xuyên của Xứ Phan. Cho nên, ngoài đầu tư nhân lực sản xuất trực tiếp, cơ sở cũng đang tập trung đầu tư nhân lực phụ trách về mảng này và cộng tác viên bán hàng online.

Để chương trình OCOP phát triển bền vững, tạo sức bật cho phát triển kinh tế vùng nông thôn, đòi hỏi nhiều yếu tố cộng hưởng, từ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ban, ngành, địa phương đến nỗ lực, quyết tâm của mỗi chủ thể. Về lâu dài, ngành chức năng cần tập trung thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý sản phẩm OCOP; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm sau khi được đánh giá, xếp hạng; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn triển khai về OCOP nhất là các đoàn thể cấp xã, thị trấn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án quản lý phát triển các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh. Và điều quan trọng hơn, các HTX, DN, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất cần tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, đáp ứng sản lượng, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, tính đồng đều, ổn định của sản phẩm khi cung ứng ra thị trường.