Cán bộ, viên chức ngành Thuế thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách năm 2012

Cùng với cả tỉnh, sau 20 năm tái lập tỉnh, Cục Thuế Ninh Thuận đã không ngừng phát triển, trở thành công cụ quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương trong tiến trình hội nhập và phát triển. Đặc biệt, năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, ngành Thuế đã ghi dấu ấn quan trọng: Bước vào “Câu lạc bộ thu ngân sách trên nghìn tỷ đồng”.

(NTO) Ngay sau tái lập tỉnh, tỉnh ta chú trọng lãnh đạo tập trung phát triển kinh tế toàn diện, thu hút đầu tư để vừa nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh, mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động cũng như tăng thu cho ngân sách tỉnh. Cùng với những nỗ lực của tỉnh, ngành Thuế không ngừng thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, để vừa tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, vừa góp phần kích thích các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đặc biệt là từ khi có Luật Quản lý thuế, ngành Thuế thực sự đưa Luật Quản lý thuế đi vào cuộc sống. Cùng với “một cửa”, ngành Thuế coi trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ như là một trong những mũi nhọn của công tác thuế.

Ngành đã phối hợp với các cơ quan Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh…đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn chính sách và các bộ luật về thuế. Tại các bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ và “một cửa” luôn sẵn sàng giải đáp các nhu cầu tìm hiểu chính sách thuế; giải đáp ý kiến, kiến nghị của nhân dân và của người nộp thuế; tổ chức các kỳ đối thoại trực tiếp để lắng nghe, thấu hiểu những thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp nhằm tìm ra hướng mới cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế… nhờ vậy, số thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước.

Năm 2011, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.156 tỷ đồng, trong đó số thu nội địa trên 900 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2010, cao gấp 26,5 lần so với số thuế thu được năm 1992. Tốc độ tăng số thu nội địa bình quân giai đoạn 1992-2002 là 16 %, giai đoạn 2002-2011 trên 22,7 %. Nếu như năm 1992, doanh nghiệp có số thu lớn nhất nộp ngân sách chưa đến 1 tỷ đồng thì đến năm 2011, đã có nhiều doanh nghiệp nộp thuế cho ngân sách nhiều hơn tổng số thu ngân sách toàn tỉnh năm 1992, điển hình như Công ty Diego Đông Dương 121 tỷ đồng; Chi nhánh xăng dần Ninh Thuận 51 tỷ đồng… Lần đầu tiên số thu ngân sách của tỉnh ta vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, góp phần tích cực vào việc cân đối ngân sách đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

 
Cán bộ Cục Thuế tỉnh hướng dẫn lập hồ sơ kê khai thuế cho các doanh nghiệp. Ảnh: D.L

Sự bứt phá về kết quả thu ngân sách trong 20 năm tái lập tỉnh, có được từ chính sự lớn mạnh của nền kinh tế tỉnh nhà dưới sự lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong đó quan trọng nhất là sự gia tăng không ngừng của khối doanh nghiệp, khối có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách. Hiện toàn tỉnh có trên 1.500 doanh nghiệp ở các khối, ngành cùng hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể cá nhân trong diện nộp thuế thu nhập cá nhân. Là cơ quan thu ngân sách chủ yếu của tỉnh, trong những năm qua ngành Thuế tỉnh không chỉ nỗ lực cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách mà còn chú trọng công tác tham mưu với tỉnh về các giải pháp tăng thu ngân sách.

Đặc biệt, trong năm 2011, ngành Thuế đã triển khai có hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết số 11/NQ-CP về góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Nghị quyết 08/2011/QH13, Quyết định 21/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, gia hạn nộp thuế XDCB theo thông tư 28/12/2011/TT-BTC. Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách này, các đơn vị thu trong toàn ngành Thuế đã phấn đấu tăng thu 31% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao; số nợ đọng thuế giảm 44% so với năm 2010. Mặt khác, đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Thông tư 153/2010/TT-BTC và tuyên truyền phổ biến tập huấn hướng dẫn cho 100% doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trên địa bàn nắm bắt và thực hiện. Đến nay, gần 100% doanh nghiệp đã hoàn thành tự in, đặt in hóa đơn để sử dụng. Triển khai thực hiện Quy trình Cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” bao gồm 9 lĩnh vực hoạt động tại cơ quan thuế. Chuyển đổi hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cho cơ quan Cục Thuế và triển khai quản lý hệ thống thuế theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 ở các chi cục thuế huyện, thành phố. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về kê khai thuế điện tử trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ để các doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử theo đúng yêu cầu. Trong năm, triển khai cho 200 doanh nghiệp đủ điều kiện, tiến tới hoàn thành việc triển khai thực hiện 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào năm 2015. Thực hiện kết nối thông tin giữa cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc và Tài chính các cấp triển khai cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn.

 
Hộ tiểu thương Chợ Phan Rang được cán bộ thuế cấp biên lai thu thuế.

Năm 2012, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 1.235 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 965 tỷ đồng, thu thuế xuất, nhập khẩu 270 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch được giao, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, nhất là các chính sách thuế mới thực hiện năm 2012; thực hiện công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế theo đúng quy định. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, thực hiện triệt để các biện pháp xử lý nợ thuế; thực hiện rà soát công tác quản lý thuế đối với những lĩnh vực có khả năng thất thu như khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản… Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08 của Quốc hội, Quyết định 21, 54 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân nộp thuế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thuế được công bằng, tạo sự bình đẳng trong kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển. Tiếp tục thực hiện các chương trình hiện đại hóa, theo kế hoạch 100% doanh nghiệp tự in, đặt in hóa đơn; đẩy mạnh việc thực hiện kê khai thuế điện tử; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc kết nối, trao đổi dữ liệu về thu ngân sách giữa các ngành: Thuế, Hải quan, Kho bạc, Tài chính; mở rộng địa bàn, đối tượng nộp thuế trực tiếp qua hệ thống ngân hàng thương mại. Phối hợp cùng các ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách phù hợp với tình hình thực tế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh.