Phát triển công nghiệp giấc mơ xanh

Với một chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đầu tiên trên cả nước được lập bởi tư vấn nước ngoài, Ninh Thuận đang ghi những dấu ấn quan trọng và đầy ấn tượng trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách với các địa phương trong khu vực và cả nước.

(NTO) Bứt phá trong điều hành

Xác định phát triển công nghiệp là một trong những mục tiêu hàng đầu đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển, trong vài năm trở lại đây, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh ta luôn quan tâm, tập trung đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp cho lĩnh vực này. Ngoài những chính sách như: Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư để khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước; chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho các nhà đầu tư, tỉnh ta còn thành lập và đi vào hoạt động Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) theo mô hình Ban Phát triển Kinh tế (EDB) của Singapore. Đây là mô hình mới đầu tiên của cả nước, thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo “cơ chế một cửa liên thông” trong lĩnh vực đầu tư và đã được các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.

Mô hình xây dựng khu nhà chung cư cao cấp.

Đặc biệt, với tư duy mới, có tầm nhìn chiến lược khác biệt, tỉnh ta còn mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài: Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh lập chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22-7-2011. Để hiện thực hóa các mục tiêu của quy hoạch, ngày 7-11-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu chung của Nghị quyết nhằm từng bước xây dựng tỉnh ta trở thành trung tâm năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân hàng năm từ 26-27%. Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp trong tổng GDP của tỉnh đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 27%. Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ, đến nay môi trương đầu tư của tỉnh ta đã ngày càng được cải thiện rõ nét, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh lên rất đáng kể. Từ chỉ số PCI năm 2009 xếp thứ 48/63 tỉnh, thành trong cả nước, đã tăng lên vị trí 41 vào năm 2010, nâng lên 7 bậc và được xếp vào nhóm các tỉnh có chỉ số PCI khá so cả nước.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Sự bứt phá từ tư duy gắn với quy hoạch của tỉnh ta như hiện nay đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm, với số lượng đoàn nhà đầu tư đến tỉnh tăng nhiều so với các năm trước. Chỉ tính riêng trong năm 2011, có gần 200 lượt đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó 45 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương địa điểm, với tổng vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 156 dự án, với tổng vốn đăng ký 32.616 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án có quy mô đầu tư lớn như: Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam của Công ty Enfinity Asia Pacific Limited (công suất 124,5 MW, vốn đăng ký 5.200 tỷ đồng); dự án xây dựng công trình khai thác và tuyển quặng sa khoáng Titan-Zircon của Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Ninh Thuận (công suất 190.000 tấn quặng thô/năm, vốn đăng ký 265,7 tỷ đồng)...

Cùng với thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, tỉnh ta còn đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ODA, NGO..., nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, lồng ghép các nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh ta có 24 dự án ODA đang được triển khai, với tổng vốn khoảng hơn 2.600 tỷ đồng và các dự án tài trợ của Chính phủ các nước như Bỉ, Đức, Hàn Quốc... thuộc các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, cấp nước, y tế, giáo dục và đào tạo... với tổng vốn cam kết trên 60 triệu USD. Đây là những dự án với quy mô lớn, có tác động lan tỏa, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Nhà máy Thủy điện Sông Ông. Ảnh: V.Thanh

Hướng đến xây dựng trung tâm năng lượng sạch

Tỉnh ta có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và là vùng đất cuối cùng của dãy Trường Sơn, với nhiều dãy núi nhô ra biển. Toàn bộ diện tích của tỉnh được bao bọc bởi 3 mặt núi: Phía Bắc và phía Nam là hai dãy núi cao chạy sát ra biển, còn ở phía Tây là vùng núi cao giúp với tỉnh Lâm Đồng. Với đặc điểm địa hình như thế, Ninh Thuận được đánh giá là một trong những nơi có tiềm năng phát triển điện gió lớn nhất của cả nước. Theo bản đồ phân bố các cấp tốc độ gió khu vực Đông Nam Á của Tổ chức True Wind Solutions LLC (Mỹ) lập theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tỉnh ta có 14 vùng gió tiềm năng trên diện tích 8.000 ha. Các vùng gió tập trung chủ yếu ở các huyện: Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và một phần của huyện Bác Ái. Tốc độ gió trung bình đo được trong năm đạt 7,1m/s, cỡ độ cao 65 m và mật độ gió từ 400 – 500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam. Ngoài ra, tỉnh ta còn được biết đến là một trong những địa phương có tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn. Số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.600-2.800 giờ, phân phối tương đối đều quanh năm. Dựa trên thế mạnh này, trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020, tỉnh ta chủ trương ưu tiên phát triển nhóm ngành năng lượng lên hàng đầu, bao gồm cả điện hạt nhân và năng lượng tái tạo với tham vọng hướng đến xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, cụm ngành này đóng góp 11% GDP của tỉnh, giải quyết từ 5 – 8% nhu cầu năng lượng quốc gia và chiếm 8% lao động xã hội.

Phát triển điện gió là thế mạnh kinh tế của Ninh Thuận.

Để biến tiềm năng và giấc mơ trở thành hiện thực, ngoài việc phối hợp và chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng 2 Nhà máy Điện hạt nhân công suất 4.000 MW đúng tiến độ đã đề ra, trong giai đoạn 2011 – 2015 tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, huy động tối đa nguồn vốn FDI để đẩy nhanh việc xây dựng dự án các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời ở những khu vực đã được quy hoạch trên địa bàn các huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc với quy mô từ 1.500 – 2.000 MW. Với sự nỗ lực của mình, đến nay ở lĩnh vực điện gió có 13 dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương địa điểm, với tổng vốn khoảng 28.940 tỷ đồng (trong đó, có 6 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn 17.060 tỷ đồng, công suất 504,5 MW).

Cùng với kêu gọi, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch, tỉnh ta còn tập trung phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động vào năm 2020 và một số công trình thủy điện quy mô nhỏ gắn với thủy lợi như: Tân Mỹ, Sông Than... đồng thời phát triển toàn diện các thế mạnh về du lịch để khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy công nghiệp mới với quy mô phù hợp điều kiện phát triển tại địa phương như: Nhà máy Chế biến tôm xuất khẩu, công suất 10.000 tấn/năm; sản xuất muối và hóa chất sau muối; Nhà máy Chế biến thịt gia súc, gia cầm; chế biến thức ăn nuôi tôm; sản xuất rượu nho gắn với việc hình thành các khu du lịch sinh thái. Duy trì và mở rộng thị trường các sản phẩm chủ lực tham gia xuất khẩu như nhân hạt điều, thuỷ sản các loại, các sản phẩm từ yến, đá Granite. Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ như lắp ráp, gia công cơ khí, sản xuất các linh kiện cơ khí phục vụ cho nhà máy sản xuất điện để lấp đầy các Khu công nghiệp Du Long, Phước Nam và triển khai Khu công nghiệp Cà Ná 1.000 ha, nhằm thu hút các dự án sản xuất Turbin gió, đóng tàu du lịch..., ngoài việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, còn tạo tiền đề, bàn đạp để tỉnh ta bứt phá, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

Mô hình xây dựng Khu đô thị Du lịch biển Bình Sơn.

Tiềm năng, lợi thế và cơ hội để thu hút đầu tư vào tỉnh ta đã mở ra. Hơn lúc nào hết đây là thời điểm để tỉnh ta tăng tốc sự quảng bá, tạo ra các cơ chế, chính sách mới để thu hút đầu tư. Bởi thực tế cho thấy, nếu địa phương nào có chính sách ưu đãi chu đáo và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả thì việc tuyên truyền, quảng bá đầu tư “từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp” là rất lớn và có sức thuyết phục cao nhất.