Ninh Sơn: Tập trung đầu tư phát triển, từng bước vươn lên trở thành đô thị phía Tây của tỉnh

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Sơn đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thành công nhiều chương trình mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, đưa vùng đất với nhiều tiềm năng này đi lên theo hướng bền vững.

(NTO) Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011 – 2015, nhờ những chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển KT-XH đúng hướng, phù hợp với thực tế; sự nỗ lực, đồng lòng của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc, kinh tế Ninh Sơn tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Tổng giá trị sản xuất đạt gần 677 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 12,4% (KH là 11-12%). Trong đó, nông, lâm, thủy sản đạt 292,3 tỷ đồng, tăng 10,2%; công nghiệp- xây dựng đạt 169,5 tỷ đồng, tăng 18%; thương mại - dịch vụ đạt 215 tỷ đồng, tăng 11,2%. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, đời sống nhân dân nông thôn, miền núi từng bước được cải thiện. Trong đó, triển khai xây dựng 256 nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ, sửa chữa, xây dựng 73 nhà ở cho người có công cách mạng, với kinh phí 857 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011còn 26,16%; giải quyết việc làm cho 1.971 lao động, đạt 103,7% kế hoạch; đào tạo nghề cho 347 lao động nông thôn, đạt 115,6%.

 
Trung tâm huyện Ninh Sơn. Ảnh: V.M

Đáng mừng nhất của huyện Ninh Sơn là cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Xác định rõ thế mạnh của địa phương, Đảng bộ huyện Ninh Sơn đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế nông, lâm, thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện chú trọng chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng chuyên canh cây nguyên liệu công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Với diện tích gieo trồng thường xuyên hàng năm 20.000 ha và có thể mở rộng ra trong thời gian đến, huyện Ninh Sơn đang tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, các vùng có giao thông và các công trình thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, HTX phát triển; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng. Năm 2011, sản lượng lương thực bình quân đạt gần 58.890 tấn, độ che phủ của rừng đạt 46,09%. Đến nay, có 100% số xã và trên 95% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống giao thông đã đến tất cả các thôn, xóm. 100% trường học được xây dựng từ cấp 4 trở lên. Các trạm y tế được xây dựng kiên cố với đầy đủ các trang, thiết bị y tế. Bộ mặt nông thôn càng ngày khởi sắc.

 
Nông dân xã Lâm Sơn, mở rộng diện tích vườn cây ăn trái cho thu nhập cao. Ảnh: Duy Anh

Đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: "Theo quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, huyện cũng đã xác định mục tiêu trong thời gian tới là phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH. Trước hết là trên lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn, bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng liên tục và bền vững. Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tạo bước chuyển biến về quy mô, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết, xây dựng chính quyền trong sạch - vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ”.

Theo đó, trong năm 2012 và những năm tiếp theo, huyện tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiệu quả, bền vững và hiện đại, đa dạng hoá các loại cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao gắn với thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và hướng phát triển của tỉnh. Tiếp tục phát triển ổn định các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao (đạt trên 60 triệu/ha); áp dụng KH-KT vào sản xuất, thâm canh, chuyên canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Phấn đấu đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng nội bộ và góp phần thực hiện an ninh lương thực toàn tỉnh. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn gắn với thực hiện Đề án Xây dựng nông thôn mới. Quan tâm đến đào tạo nghề cho nông dân, phát triển ngành, nghề nông thôn, chuyển dần một bộ phận lao động nông thôn sang sản xuất CN-TTCN, dịch vụ và du lịch. Tăng cường các biện pháp bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào lâm nghiệp, nhất là trồng rừng nguyên liệu và chế biến lâm sản; nghiên cứu xây dựng điểm phát triển một số loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện kết hợp bảo tồn, phát triển rừng lồng ghép với các hoạt động du lịch sinh thái. Cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế của huyện như: Nông, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng, du lịch, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến sản phẩm từ gỗ. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn. Tăng cường hợp tác, liên kết, đồng bộ về các chính sách, chỉ đạo và điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch. Sự phối hợp giữa tỉnh và huyện, giữa các ngành trong tỉnh, giữa huyện Ninh Sơn và các huyện khác tạo ra các mối liên kết về kinh tế.

Với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của tỉnh, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện chắc chắn Ninh Sơn tiếp tục gặt hái được những thành công trên con đường đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng tầm với đô thị trung tâm khu vực miền núi phía Tây của tỉnh trong tương lai.

Quy hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2015 của huyện Ninh Sơn: Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân hiện tại từ 1-1,5%/năm. Tổng giá trị sản xuất đạt 1.120 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng là 13%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 50%; thương mại, dịch vụ 27% và công nghiệp-TTCN, xây dựng 23%. Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trồng trọt chiếm tỷ lệ 70% và chăn nuôi 30%.