Phát triển thương hiệu Làng nghề một cách bền vững

Nằm trong chuỗi hoạt động “Hội chợ thương mại – du lịch, làng nghề gắn với lễ hội Ka-tê Ninh Thuận – 2011” ngày 26 – 9, tại Nhà trưng bày Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), Sở Công Thương tổ chức Hội thảo chuyên đề hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề.

(NTO) Tham dự có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại- Hiệp hội làng nghề Việt Nam (văn phòng phía Nam), UBND thị trấn Phước Dân, Ban quản lý các làng nghề tại khu phố 3, cùng các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Thị trấn Phước Dân có 3 làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm. Làng nghề gốm Bàu Trúc có 117 hộ biết làm nghề và 100 hộ tham gia sản xuất, thu hút hơn 1.000 lao động, sản lượng hàng năm đạt khoảng 100.000 – 120.000 sản phẩm các loại; hai làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, hơn 70% dân số sống bằng nghề, doanh thu hàng năm từ 10 - 15 tỷ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề đều có quy mô nhỏ, hoạt động manh mún.

Hội thảo nhằm tìm kiếm, thiết lập các mối quan hệ từ đầu tư, đào tạo nâng cao tay nghề, tài chính đến xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm giữa làng nghề với các doanh nghiệp để hoạch định một chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu làng nghề dệt thổ cẩm, gốm Bàu Trúc cho tỉnh nhà nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

Các cơ sở sản xuất ở các làng nghề cũng mong muốn chính quyền địa phương và các doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, để có những sản phẩm chất lượng và khẳng định được thương hiệu trên thị trường một cách bền vững.