Di tích bẫy đá Pi Năng Tắc

Di tích bẫy đá Pi Năng Tắc nằm tại triền núi Gia Túc, xã Phước Bình (Bác Ái), cách Tp. Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 70km về hướng Tây Bắc.

Bẫy đá Pi Năng Tắc đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại, sở dĩ có tên này bởi bẫy đá gắn liền với tên người sáng tạo là anh hùng Pi Năng Tắc. Người đã có công lớn, được xem là “con chim đầu đàn” của dân tộc Raglai.

Bẫy đá Pi Năng Tắc được xây dựng trên địa thế hiểm trở, một bên là núi cao chót vót xanh thẳm rừng đại ngàn, một bên là vực sâu hun hút. Bẫy đá được xây dựng vào cuối năm 1959 và đầu năm 1960, lợi dụng địa thế tự nhiên, Pi Năng Tắc đã chỉ đạo cho quân du kích làm việc liên tục nhiều ngày đêm, lập được 17 chiếc bẫy đá liên hoàn trên đoạn đường dài hơn 500m, phía dưới đoạn đường ông cho cắm chông, cung tên tẩm độc. Đây là nơi ghi lại trận địa phục kích địch bằng bẫy đá vào trưa ngày 10/8/1961 của du kích Raglai, dưới sự chỉ huy của Pi Năng Tắc đã diệt được hơn 100 tên địch. Ngày nay, bẫy đá Pi Năng Tắc là niềm tự hào, là biểu tượng gắn liền với quê hương, núi rừng đồng bào dân tộc Raglai.

Năm 1992, bẫy đá Pi Năng Tắc được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cách mạng quốc gia; trở thành địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử ý nghĩa cho thế hệ trẻ. Đến hôm nay, những dấu tích về những bẫy đá vẫn hiện hữu sinh động, minh chứng hùng hồn về nghệ thuật chiến tranh du kích, tinh thần thông minh, sáng tạo tuyệt vời và ý chí quyết chiến của đồng bào Raglai, tiêu biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Pi Năng Tắc.