Từ trung tâm hành chính huyện Thuận Bắc, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn những cánh đồng điện gió đang quay đều tạo ra nguồn năng lượng là một trong những điểm nhấn quan trọng, tạo nét đột phá mới trong quá trình phát triển của địa phương. Được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển lĩnh vực công nghiệp, huyện vận dụng sáng tạo các chính sách của trung ương và của tỉnh, thực hiện linh hoạt các giải pháp kêu gọi đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, biến hàng trăm ha đất hoang hóa, khu vực canh tác kém hiệu quả trở nên có giá trị. Đến nay, trên địa bàn huyện có 9 dự án năng lực tái tạo, bao gồm điện gió và điện mặt trời, với tổng công suất 913,225 MW; trong đó, có 6 dự án đã đưa vào vận hành thương mại như: Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam, Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện, Nhà máy Điện gió Hanbaram, Nhà máy Điện gió Lợi Hải 2... với sản lượng điện hằng năm khoảng 2.540 triệu kWh. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung phát triển ngành công nghiệp có lợi thế về sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Để tạo lợi thế cạnh tranh, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm như: Thạch rau câu, cát, đá xây dựng, xi măng. Tiềm năng của huyện cũng đang được đánh thức với những dự án kinh tế trọng điểm như: Khu du lịch Bình Tiên, Khu công nghiệp Du Long. Trong năm 2023, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 7.980 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước; đồng thời, phấn đấu giá trị sản xuất trong năm 2024 đạt 9.573 tỷ đồng. Qua đó, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn.
Một góc trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: V.Miên
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, do thường xuyên chịu tác động của nắng hạn, nên việc ưu tiên đầu tư xây dựng các mô hình mới, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn liền với đặc thù, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được huyện Thuận Bắc hướng tới. Hằng năm, các xã đều tập trung rà soát, lên kế hoạch gieo trồng cụ thể từng khu vực, hướng dẫn người dân bố trí, cây trồng đảm bảo diện tích, đem lại mùa vụ đạt kết quả cao. Trong năm 2023, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 11.337ha cây trồng các loại, tổ chức chuyển đổi trên 124ha cây trồng cạn trên đất lúa, tạo thành khu vực sản xuất rộng lớn. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định từng bước được xóa bỏ, nông dân ngày càng nhanh nhạy bắt kịp xu hướng, triển khai các mô hình gắn kết sâu rộng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Chị Nguyễn Thị Hồng, ở thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải, chia sẻ: Với gần 3 sào đất canh tác, trước đây trồng lúa không mang lại hiệu quả, tôi quyết định chuyển sang trồng ớt từ nhiều năm nay, do đặc điểm sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc lại sử dụng ít nước, mỗi lần cho thu nhập ổn định hơn nhiều so với trồng lúa. Hiện đang là thời điểm cuối năm, gia đình đang tập trung chăm sóc cây ớt để kịp bán trong dịp tết Nguyên đán...
Từ áp dụng kỹ thuật mới, trên địa bàn huyện Thuận Bắc đang hình thành nhiều vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng; thúc đẩy giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác tại vùng chủ động nước tưới đến nay đạt hơn 106 triệu đồng/ha/năm. Ngành chăn nuôi cũng có nhiều bước đột phá, các nông hộ tập trung phát triển tổng đàn bò, dê, cừu, gắn với trồng cỏ, hình thành các gia trại nuôi heo đen, gà bản địa số lượng lớn, tạo cơ sở quan trọng trong việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông hộ.
Kết quả trên đã thể hiện hướng đi đúng của huyện Thuận Bắc, cụ thể hóa qua việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy giá trị kinh tế các ngành tăng cao. Trong niềm phấn khởi đón xuân mới, đồng chí Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Thành công đạt được trong năm 2023 là tiền đề hết sức quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương vững bước thực hiện nhiệm vụ trong những năm tiếp theo. Bám sát chương trình hành động nghị quyết đại hội Đảng các cấp, địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng lòng quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, tập trung kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội; chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình thời tiết, chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa theo hướng bền vững và lâu dài; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho các dự án triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Với cách làm chủ động, sáng tạo, huyện Thuận Bắc hôm nay có bước chuyển mình rõ rệt. Đón xuân mới, cuộc sống của người dân thêm phần ấm no, hạnh phúc.
Hồng Lâm