Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu

Tiếp tục chương trình thăm, làm việc tại Bạc Liêu, chiều 25/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương gặp mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu đã báo cáo khái quát kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023. Theo đó, năm qua, cả nước cũng như Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương; sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nên tình hình mọi mặt của Bạc Liêu tiếp tục chuyển biến tích cực.

Ông Lữ Văn Hùng cho biết, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa với quyết tâm chính trị cao nhất để đạt các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là những hộ chính sách, hộ nghèo, không chỉ trong dịp Tết đến, Xuân về mà đây là cả quá trình. Tỉnh luôn quán triệt tinh thần cùng các cấp chính quyền cơ sở chăm lo, tìm hiểu để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, thế trận lòng dân để phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt công tác đối ngoại...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Bạc Liêu đã đạt được nhiều chỉ tiêu trong năm 2023 cao hơn năm 2022 với những kết quả quan trọng, khá toàn diện, thuộc nhóm đạt cao của khu vực và cả nước. Bạc Liêu đã rất tích cực khi nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng đã đạt tăng trưởng kinh tế khá, với mức tăng 7,24%; đứng thứ 5 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 24 trong cả nước; thu ngân sách đạt 4.133 tỷ đồng, vượt 13,2% dự toán; xuất khẩu tăng, hộ nghèo giảm.

Nông nghiệp tiếp tục phát triển, sản lượng thủy sản tăng 16,3% (trong đó, tôm nuôi tăng 13,7%). Kim ngạch xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD, tăng 17,2% so cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển. Du lịch tiếp tục tăng trưởng tốt, với gần 4,3 triệu lượt du khách, đem lại doanh thu khoảng 3.800 tỷ đồng.

Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 1,7%. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là những kết quả quan trọng, lớn nhất mà Bạc Liêu đạt được thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Nhấn mạnh năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước, thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bạc Liêu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; chủ động triển khai kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII); nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của địa phương. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, bảo đảm phù hợp các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên cơ sở đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy liên kết vùng theo Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như các chính sách quan trọng về đất đai, nhà ở… và các quy định khác trong các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Bạc Liêu tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, hướng vào 3 trụ cột chính (công nghiệp năng lượng tái tạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch). Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư; phát triển hài hòa, toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, bảo đảm đồng bộ với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Tỉnh quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, công nhân, người lao động; tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đầm ấm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bạc Liêu. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nhiệm vụ trong xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới; quan tâm phối hợp chuẩn bị đầu tư hạ tầng đường cao tốc, Quốc lộ đi qua tỉnh. Theo Chủ tịch Quốc hội, khu vực Bán đảo Cà Mau nói chung, trong đó có Bạc Liêu có tiềm năng điện gió, điện ngoài khơi…, với tinh thần chung là năng lượng phải đi trước, là cái căn cơ, quan trọng, trên cơ sở Quy hoạch điện VIII, tỉnh chú ý phát triển tiềm năng này để sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đến năm 2050, là tỉnh có kinh tế phát triển; hệ thống đô thị thông minh, sạch, xanh; nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; người dân có cuộc sống khá giả, hạnh phúc.

Theo TTXVN/Báo Tin tức