Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho học sinh trên địa bàn tỉnh

Nhằm nâng cao hiểu biết của học sinh (HS) về tính chất nguy hiểm, tác hại, hậu quả của cháy, nổ đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; các biện pháp, quy trình phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại gia đình, trường học và cộng đồng; trách nhiệm báo tin khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngày 11/12/2023, Sở GD&ĐT đã có công văn gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về việc triển khai giảng dạy kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho HS từ năm học 2023-2024.

Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị xây dựng kế hoạch và phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai thực hiện việc giảng dạy, thực hành, diễn tập cho HS về PCCC và CNCH ở học kỳ II năm 2023-2024 và những năm học tiếp theo với các yêu cầu cần đạt được quy định cụ thể tại Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho HS, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Về thời lượng giảng dạy, thực hành, diễn tập cho trẻ em cấp mầm non bảo đảm tối thiểu 1 buổi/năm học. Đối với cấp tiểu học, lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa; thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè với thời lượng tối thiểu 2 buổi/năm học. Đối với cấp THCS và THPT, thời lượng tối thiểu 2 buổi/năm học (bao gồm cả các hoạt động giảng dạy và diễn tập) thông qua hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Riêng khối lớp 9 và khối lớp 12 thông qua hoạt động sinh hoạt tập thể (chào cờ, sinh hoạt lớp) và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, lồng ghép các kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH thông qua các môn học; hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các câu lạc bộ, hoạt động trong hè theo tình hình thực tế tại đơn vị.

Các em học sinh ở Tp.Phan Rang-Tháp Chàm tìm hiểu thiết bị PCCC và CNCH. Ảnh: Văn Nỷ

Phối hợp với cơ quan công an địa phương trong việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên của đơn vị và trong các hoạt động diễn tập cho HS. Thành lập Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH của cơ sở giáo dục do lãnh đạo đơn vị làm trưởng ban; thành phần là các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Rà soát thống kê, bổ sung tài liệu, trang thiết bị học tập, thực hành phục vụ cho giảng dạy, thực hành, diễn tập. Thông báo cho phụ huynh HS đăng ký trang bị sách, tài liệu kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho HS để phục vụ học tập.

Đồng thời, chủ động thực hiện công tác PCCC và CNCH tại cơ sở giáo dục khi có sự cố; rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn an toàn tuyệt đối cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS trong quá trình học tập, thực hành, diễn tập kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Lập danh sách các thành viên trong Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH của cơ sở giáo dục chưa được cấp hoặc đã hết thời hạn chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật về Sở GD&ĐT để phối hợp với Công an tỉnh tổ chức huấn luyện cấp chứng nhận...