Nhân rộng mô hình nhóm tín dụng tiết kiệm lồng ghép truyền thông dân số - sức khỏe sinh sản - bình đẳng giới

(NTO) Mô hình Nhóm tín dụng tiết kiệm lồng ghép truyền thông dân số-sức khỏe sinh sản-bình đẳng giới (DS-SKSS-BĐG) được thành lập từ năm 2007, trên cơ sở hoạt động của các tổ vay vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, ở các xã của huyện: Ninh Phước, Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam do Hội Phụ nữ quản lý. Qua gần 4 năm hoạt động, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao nhận thức về DS-KHHGĐ-BĐG cho nhiều phụ nữ trong tỉnh

Quy mô của mỗi nhóm có khoảng 30-50 thành viên, là những phụ nữ nghèo, trong độ tuổi sinh đẻ, sinh hoạt ở các tổ vay vốn tiết kiệm và đều cam kết thực hiện KHHGĐ. Phương thức hoạt động của mô hình là thông qua đợt sinh hoạt hàng tháng, các thành viên được cán bộ nhóm cung cấp thông tin về vốn vay tín dụng, chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo, thông tin khuyến nông, khuyến ngư, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn giữa các thành viên… đồng thời truyền đạt những kiến thức làm mẹ an toàn, KHHGD, phòng chống bạo lực gia đình… thông qua các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú như tọa đàm, hái hoa dân chủ, tặng quà khuyến khích… đã mang lại thoải mái, vui tươi cho chị em, vì vậy thu hút được đông đảo thành viên tích cực tham gia. Để nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ nhóm, các xã đã tổ chức 18 cuộc giao lưu chia sẻ kinh nghiệm truyền thông giữa các nhóm dưới hình thức biểu diễn văn nghệ, tiểu phẩm… Hội LHPN tỉnh tổ chức 15 lớp đào tạo kỹ năng cho 240 nhóm trưởng, nhóm phó và thư ký; 3 lớp đào tạo nâng cao kỹ năng giám sát nhóm truyền thông lồng ghép cho cán bộ phụ nữ ở các xã, huyện; 2 cuộc tham quan, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho 104 lượt nhóm trưởng, cán bộ phụ nữ 15 xã của 4 huyện dự án tại xã Phước Thành (Bác Ái) và Công Hải (Thuận Bắc)… Để công tác truyền thông đạt hiệu quả, Hội LHPN tỉnh còn quan tâm đầu tư trang thiết bị cho các nhóm như máy cassettet, tài liệu, tủ, cặp đựng tài liệu, sổ tay, tờ gấp…về DS-CSSKSS-BĐG.

Nếu năm 2007, toàn tỉnh chỉ có 5 xã thành lập mô hình này, với 20 nhóm, 725 thành viên tham gia thì đến nay đã phát triển lên 80 nhóm với 3.026 thành viên. Thông qua các đợt sinh hoạt đã giúp các chị nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ-BĐG. Phần lớn phụ nữ có thai đều đi khám thai và sinh con tại cơ sở y tế, từ đó giảm tỷ lệ tai biến trong sản khoa. Bên cạnh đó các chị còn nâng cao kỹ năng sống, biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, chăm sóc, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chị Huỳnh Thị Phượng, Trưởng Ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình, chú trọng đến công tác nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ nhóm; cải tiến nội dung, hình thức hoạt động, để tạo sức hút và nâng cao chất lượng hoạt động. Qua đó giúp nhiều chị em trong tỉnh có điều kiện tiếp cận với kiến thức trong sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế và thực hiện tốt công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc”.