Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 26 HTX được thành lập mới, nâng tổng số HTX đang hoạt động lên 112 HTX, tăng 28,7% so với năm 2020; các HTX hoạt động trong lĩnh vực: Nông nghiệp có 84 HTX (chiếm 75%); sản xuất tiểu thủ công nghiệp 10 HTX (chiếm 8,9%), kinh doanh dịch vụ tổng hợp 8 HTX (chiếm 7,1%); lĩnh vực vận tải 7 HTX (chiếm 6,3%) và 3 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, các HTX đã ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao trình độ cán bộ quản lý HTX. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo trình độ cao đẳng, đại học tăng từ 11,5% năm 2016 lên 17% so năm 2022; trình độ sơ cấp, trung cấp tăng từ 24,9% năm 2016 lên 34% so năm 2022. Nhờ đó, các HTX đã phát huy được năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo được sức mạnh tập thể trong SXKD, góp phần nâng cao doanh thu, lợi nhuận, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên. Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn hoạt động của HTX đạt 173,37 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2016; tổng giá trị tài sản HTX đạt 44,7 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2016. Doanh thu bình quân của HTX năm 2022, đạt 2,3 tỷ đồng/HTX, tăng 27,8% so với năm 2016; trong đó doanh thu đối với các thành viên đạt 1,750 tỷ đồng/năm, tăng 45,8%; lợi nhuận bình quân ước đạt 225 triệu đồng/HTX, tăng 40,6%; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 58 triệu đồng/người, tăng 2 lần so với năm 2016.
Gian hàng trưng bày sản phẩm của các hợp tác xã tại Hội nghị xúc tiến cung - cầu Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm“ (OCOP). Ảnh: Văn Nỷ
Những năm qua, công tác hỗ trợ phát triển KTTT được quan tâm, trong 5 năm 2016-2022 đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ HTX, với tổng kinh phí trên 44 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước trên 26 tỷ đồng và vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ trên 18 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động SXKD ổn định, hiệu quả hơn. Đã có nhiều mô hình liên doanh, liên kết, hình thành các chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; tính đến cuối năm 2022, có 37 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và hướng đến xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ dịch vụ đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra để gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu kinh tế và đời sống của thành viên; có 29 sản phẩm của 13 HTX được công nhận sản phẩm OCOP (trong đó 6 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 23 sản phẩm xếp hạng 3 sao cấp tỉnh).
Đơn cử như HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) được thành lập từ năm 2016 bước đầu chỉ có 13 thành viên, đến nay đã phát triển 84 thành viên, diện tích sản xuất trên 55 ha. Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết: Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành và địa phương, HTX Tuấn Tú đã liên kết với các công ty hỗ trợ sản xuất lâu dài cho thành viên HTX. Qua đó đã tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên trong HTX; duy trì phát triển sản xuất cây măng tây xanh đạt hiệu quả và hình thành vùng sản xuất. Được sự hỗ trợ từ các chương trình, các thành viên HTX được vay vốn thực hiện cánh đồng mẫu lớn; hỗ trợ cán bộ trẻ giúp HTX, tập huấn và cấp chứng chỉ VietGAP cho thành viên HTX. Trong 3 năm qua, sản lượng măng tây thành phẩm thu được 150 tấn, đạt lợi nhuận 750 triệu đồng. Năm 2023, thành phẩm măng tây ước đạt 60 tấn, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng.
Mô hình liên kết trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP của thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải).
Bên cạnh kết quả đạt được, KTTT, HTX vẫn còn những hạn chế, đó là quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực, tỷ lệ đóng góp vào GRDP còn thấp và có xu hướng giảm; một số HTX chuyển đổi, tổ chức lại còn mang tính hình thức, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp; sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu; công tác quản lý nhà nước và trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế...
Đồng chí Trương Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; phổ biến các mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả, mô hình liên kết xây dựng cánh đồng lớn, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị,... để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, người dân về vai trò, tổ chức, vận hành của HTX kiểu mới theo Luật HTX. Cùng với đó hướng dẫn các HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX có hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm đặc thù xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hoạt động SXKD. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX để nâng cao hiệu quả hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới.
Anh Tuấn