UBND tỉnh: Đánh giá kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 6 tháng đầu năm

Ngày 26/6, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi 6 tháng đầu năm 2023. Dự cuộc họp có lãnh đạo các địa phương, sở, ban, ngành liên quan.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ban, ngành tích cực phối hợp thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; bảo đảm các chế độ, chính sách, nguồn vốn các dự án thuộc chương trình được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao. Trong năm 2023, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình được phân bổ là 388,34 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp là 228,76 tỷ đồng và vốn đầu tư phát triển là 159,57 tỷ đồng; ngoài ra, nguồn vốn chương trình năm 2023 còn có 53,34 tỷ đồng từ năm 2022 chuyển sang. Theo báo cáo, tính đến ngày 19/6, tổng nguồn vốn được giải ngân là 180,47 tỷ đồng, đạt 40,86%. Thông qua các dự án đã góp phần quan trọng giúp bà con DTTS và vùng núi trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bên cạnh những kết quả đạt đươc, việc thực hiện Chương trình mục tiêu gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Một số dự án có tỷ lệ vốn giải ngân thấp; một số chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tế nên bà con khó tiếp cận...

Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành; yêu cầu trong thời gian tới cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, tích cực phối hợp để tháo gỡ những điểm nghẽn, điểm khó thực hiện hiệu quả chương trình, dự án, bảo đảm 100% ngồn vốn được phân bổ giải ngân đúng kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, cần có sự linh hoạt; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, phù hợp; đánh giá, kịp thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc để có cơ sở đề xuất, tham mưu giải pháp tháo gỡ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, sâu sát cơ sở. Tăng cường lồng ghép với các Chương trình mục tiêu khác để đảm bảo chính sách không trùng lắp, nguồn vốn được quản lý tốt, đúng đối tượng, đúng mục đích. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự lan tỏa, thống nhất, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình các cấp. Ban Dân tộc tỉnh phát huy tốt vai trò cơ quan thường trực, kịp thời nắm bắt, nghiên cứu kỹ các văn bản của Trung ương để tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả; qua đó có cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như yêu cầu, kiến nghị Trung ương thay đổi những cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn địa phương, góp phần quan trọng giúp tỉnh giải ngân hiệu quả nguồn vốn Chương trình theo kế hoạch đề ra.