Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với Sở NN&PTNT về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi

Ngày 26/6, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Trần Minh Nam, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2022”.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016-2022, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phù hợp Quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, từng bước tạo ra hệ thống hạ tầng thủy lợi đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối liên thông cao. Trong đó, có 1.789 dự án, công trình thủy lợi được đầu tư, triển khai với tổng kinh phí thực hiện gần 4.651 tỷ đồng. Đảm bảo khai thác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất theo hướng tiết kiệm, bền vững, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây nên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác vận hành các công trình thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình, từ đó nâng cao hiệu quả các công trình sau đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 22 hồ chứa với tổng dung tích trữ 414,29 triệu m3, 4 đập dâng lớn, 90 đập dâng nhỏ. Hệ thống kênh mương dài 2.244 km; đê, kè phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển dài 62,5 km.

Đồng chí Trần Minh Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi giám sát tại Sở NN&PTNT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi còn gặp một số khó khăn như: Tình hình thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến công tác thi công hoàn thành các hạng mục theo tiến độ được duyệt; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn mất nhiều thời gian; nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thủy lợi còn hạn hẹp; tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của một số cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra khá phổ biến; chưa đầu tư toàn diện các hạng mục công việc phục vụ quản lý an toàn đập theo quy định do thiếu kinh phí...

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lưu ý thời gian tới Sở NN&PTNT tiếp tục chú trọng công tác đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều; bố trí cân đối, hợp lý nguồn vốn phục vụ công tác đảm bảo an toàn hồ đập; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong phân cấp quản lý, duy tu, bảo dưỡng, khai thác có hiệu quả công trình, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn nước. Với các kiến nghị của Sở NN&PTNT, Đoàn giám sát ghi nhận để chuyển đến HĐND và UBND tỉnh xem xét, giải quyết.