Về thăm lại chiến khu xưa

Xã Ma Nới (Ninh Sơn) là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân Ninh Thuận. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử hào hùng trong kháng chiến.

Năm 1946, Trung đoàn 81 thành lập căn cứ lấy tên là CK47, trở thành một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh Ninh Thuận, Khu V và Khu VI, là hành lang của liên Khu V nối với Khu VI và các tỉnh lân cận. Đây còn là nơi có đường dây liên lạc “Đường mòn Hồ Chí Minh” đi qua, nối liền từ miền Bắc vào miền Nam. Đến năm 1953, căn cứ Anh Dũng được thành lập tại đây, trở thành nơi làm việc, hoạt động lãnh đạo, xây dựng các phong trào cách mạng. Để hỗ trợ cách mạng, đồng bào Raglai nơi đây hăng hái tham gia chiến tranh du kích, phối hợp với lực lượng vũ trang chính quy đóng trên địa bàn tổ chức đánh địch, bắn rơi nhiều máy bay, bảo vệ căn cứ Anh Dũng thành trận địa bất khả xâm phạm. Qua đó, làm chỗ đứng chân vững chắc của cơ quan đầu não trong kháng chiến của tỉnh, để đi đến thắng lợi vẻ vang cùng với Nhân dân toàn tỉnh nổi dậy giải phóng quê hương Ninh Thuận vào ngày 16-4-1975 và góp phần cùng cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thôn Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn) hôm nay đã xóa bỏ thế cô lập giữa rừng, đường đi thuận lợi, kết nối giao thương.

Những năm đầu sau giải phóng, phương thức canh tác chủ yếu của bà con đồng bào Raglai còn nghèo nàn, lạc hậu nên đời sống khó khăn trăm bề, nhưng qua từng năm, nhất là sau khi tỉnh nhà được tái lập, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các Chương trình hỗ trợ 135, chính sách tín dụng ưu đãi… và các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhờ đó diện mạo xã Ma Nới có nhiều khởi sắc. Người dân dần thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống. Từ chỗ chỉ biết trồng lúa cạn trên nương rẫy, đến nay người dân Ma Nới đã canh tác được hơn 150 ha ruộng lúa nước 2 vụ và trồng phổ biến 620 ha đậu xanh cao sản, 798 ha bắp tăng thêm thu nhập; tham gia trồng rừng theo dự án, nhận chăm sóc và bảo vệ rừng với tổng diện tích gần 5.000 ha... Bà Va Ri Nhông Thị Hà, thôn Tà Nôi, có 7 ha điều, chia sẻ: Thu nhập hằng năm của gia đình từ vườn điều khoảng 120 triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây điều ra bông, đóng trái sai cành nên có thể thu về cao hơn. Nhờ cây điều, gia đình tôi có cuộc sống khấm khá, xây dựng nhà khang trang và nuôi con ăn học.

Dấu ấn quan trọng nhất của Ma Nới là khi Nhà nước đầu tư nhựa hóa tuyến đường giao thông từ trung tâm xã về thôn Tà Nôi, với nguồn kinh phí hơn 70 tỷ đồng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2021. Vui mừng trước sự đổi thay của quê hương, ông Cà Mau Viên, Trưởng thôn Tà Nôi, chia sẻ: Thật khó có thể tin cuộc sống của người dân hôm nay được đổi mới như thế này. Bà con đã có nguồn sinh kế, mỗi gia đình đều có bò, có nương rẫy trồng lúa, bắp, điều đem về nguồn thu nhập thường xuyên, rồi xây nhà, mua xe máy và các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Xóm làng ngày càng có nhiều nhà xây kiểu dáng hiện đại, nước sinh hoạt, điện thắp sáng được kết nối tới từng hộ gia đình, trường học khang trang, trạm y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đặc biệt thôn Tà Nôi - khu dân cư xa nhất của xã nay đã xóa bỏ thế cô lập giữa rừng, đường đi thuận lợi, kết nối giao thương.

Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới, cho biết: Để có được kết quả như ngày hôm nay ngoài sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thì tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha, ông là động lực để bà con vươn lên phát triển kinh tế. Đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được chính quyền triển khai mạnh mẽ, người dân đồng tình ủng hộ đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, giúp tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của xã giảm đáng kể (8,1%/năm), hiện còn 36,1%. Tỷ lệ hộ nghèo tuy còn cao, song bà con đã biết phấn đấu bằng nội lực của chính mình trong phát triển kinh tế và xuất hiện nhiều nhân tố mới trong sản xuất, làm kinh tế giỏi. Tính đến nay, Ma Nới đã đạt được 12/19 tiêu chí NTM. Thời gian tới, cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án của Nhà nước, đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao các tiêu chí NTM. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2022, Ma Nới đạt thêm 3 tiêu chí NTM, đào tạo nghề ít nhất 60 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho 130 lao động.