Duy trì, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19

Thời gian qua, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị, xử lý dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các Bộ, ngành liên quan và các văn bản chỉ đạo, triển khai của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Triển khai các giải pháp chuẩn bị năng lực ứng phó với dịch COVID-19 để đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19; rà soát, lập danh sách các đối tượng nguy cơ, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho tất cả các đối tượng theo kế hoạch. Các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ sở giáo dục đào tạo, hoạt động giao thông, vận tải tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Nhân viên Trạm Y tế xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: N.Sơn

Nhờ đó, công tác kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được triển khai có hiệu qủa. Toàn tỉnh duy trì 11 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 có tổng số 860 giường; nhân lực, vật tư, thiết bị và oxy đủ để phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở bệnh viện. Hoạt động điều phối, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng được duy trì thường xuyên, kết hợp liên thông điều trị người nhiễm tại nhà với các cơ sở điều trị COVID-19 tại các bệnh viện, sớm đánh giá phân loại nguy cơ người nhiễm COVID-19, điều chuyển giữa các tầng và theo dõi điều trị tại nhà phù hợp, phân phối thuốc kịp thời đến cơ sở điều trị, đến hộ gia đình. Từ đầu năm đến cuối tháng 3, tại các cơ sở điều trị đã thu dung, điều trị 2.515 bệnh nhân mắc COVID-19. Công tác điều trị F0 tại nhà được tiếp tục thực hiện có hiệu quả, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cách ly điều trị tại nhà cho 21.556 trường hợp (F0 và nghi F0) tại 7 huyện, thành phố, chưa có trường hợp chuyển viện trễ. Hiện còn 4.685 người đang cách ly điều trị tại nhà. Số ca mắc giảm 46,2%, tử vong giảm 82,9% so với giai đoạn trước đó. Nhờ kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trở lại trạng thái bình thường mới; các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy, học trực tiếp. Tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch bảo đảm thích ứng, an toàn, phù hợp hiệu quả; tổ chức công tác đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình diễn ra các hoạt động kỷ niệm kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh gắn với 47 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thời gian đến tỉnh sẽ Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2023 theo Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ. Chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; chủ động phòng, chống dịch, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Kế hoạch số 6744/KH-UBND của UBND tỉnh và cập nhật, triển khai nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế- xã hội. Tiếp tục áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát, xử lý dịch khu vực trọng điểm, nguy cơ bùng phát dịch, nhóm nguy cơ chuyển nặng, có sở giáo dục... Triển khai các giải pháp đảm bảo đủ thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị... phục vụ công tác phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tổ chức rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác dân số thuộc các nhóm đối tượng cần tiêm vắc xin trên dịa bàn tỉnh; đánh giá kết quả triển khai chiến dịch tiêm vắc xin mùa xuân năm 2022 và tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường công tác truyền thông nhằm tạo sự hưởng ứng, tham gia của xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị và hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành, giám sát, dự báo dịch COVID-19.