Hội nghị trực tuyến triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050

Ngày 29-10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tại tỉnh ta có đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, với các mục tiêu chủ yếu như: Tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 giảm từ 1 - 1,5%/năm, đến năm 2050 giảm 1%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp năm đạt 15 -20%, đến năm 2050 đạt 25 -30%; kinh tế số năm đạt 30% GDP, đến năm 2050 đạt 50% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, đến năm 2050 đạt mức 42 -43%; ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đến năm năm 2050 ít nhất đạt 60%. Với định hướng chung nhằm cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để triển khai các giải pháp hiệu quả; cần kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, cải thiện và vệ sinh môi trường; tăng cường các giải pháp công nghệ bảo đảm phát triển hài hòa năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo và hệ thống điện; thúc đẩy thị trường theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, an toàn; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án về bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, đảm bảo an toàn, thông suốt, giảm tiêu thụ năng lượng; xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch xanh; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số một cách toàn diện trong các ngành, lĩnh vực hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số.