Sẵn sàng cho ngày hội lớn của toàn dân

Các địa phương đã chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp một cách chu đáo, chặt chẽ, an toàn, đúng luật, bảo đảm cho cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Ảnh Chinhphu.vn

Ngày 16/5, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã tổ chức giao ban trực tuyến với 9 điểm cầu tại các vùng miền trong cả nước về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Sở Nội vụ của 63 tỉnh, thành.

Các địa phương làm kỹ, chu đáo

Báo cáo sơ bộ về tình hình triển khai công tác bầu cử, Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng cho biết : Đến nay, Hội đồng bầu cử đã tổ chức 3 đợt giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác bầu cử tại các tỉnh, thành trong cả nước, tổ chức tập huấn cho cán bộ và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về bầu cử.

Các bộ, ngành đã bám sát tiến độ triển khai công tác bầu cử theo thẩm quyền được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Chỉ thị số 192/CT-TTg. Bộ Nội vụ đã họp với các bộ, ngành được phân công nhiệm vụ để đánh giá kết quả thực hiện kết quả công tác chuẩn bị cuộc bầu cử một cách có trách nhiệm, chu đáo, an toàn, tiết kiệm, đúng luật.

Các địa phương cũng đã bám sát các hướng dẫn của Trung ương để tiến hành các bước chuẩn bị theo đúng các quy định của pháp luật. Cụ thể, công tác lập và niêm yết danh sách cử tri, niêm yết danh sách những người ứng cử đã hoàn tất ở các địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã nhận được kinh phí ứng thêm cho cuộc bầu cử một cách nhanh chóng, thuận tiện.

“Qua kiểm tra, giám sát của Hội đồng bầu cử, của Chính phủ, Bộ Nội vụ cho thấy công tác này được các địa phương làm kỹ, chu đáo”, Thứ trưởng Trần Hữu Thắng khẳng định.

Đặc biệt, công tác tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, là bảo đảm chất lượng, theo đúng quy định. Qua các cuộc tiếp xúc, các cử tri hiểu rõ về năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ, chương trình hành động của người ứng cử nếu được bầu làm đại biểu của nhân dân.

Cuộc bầu cử lần này, có 827 người ứng cử đại biểu Quốc hội tại 183 đơn vị bầu cử, trong đó 182 ứng cử viên của các cơ quan Trung ương và 645 ứng cử viên ở địa phương.

Tổng số đại biểu HĐND cấp tỉnh được bầu theo luật định là 3.830 người, cấp huyện là 21.130 người và cấp xã là 281.491 người.

Khắc phục thiếu sót trước ngày bầu cử

Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Nội vụ và các ban, ngành đã nghe một số địa phương báo cáo về tình hình triển khai công tác bầu cử và cho ý kiến giải quyết một số vướng mắc.

Theo báo cáo của đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, do nhiều lý do khác nhau có khoảng 800.000 phiếu bầu sẽ được viết tay thay vì in. Bộ trưởng Trần Văn Tuấn yêu cầu Ủy ban bầu cử tỉnh Thanh Hóa phải khắc phục xong vấn đề này trước ngày bầu cử. Tỉnh đã được bổ sung kinh phí thêm 23 tỷ đồng,

Bình Dương có nhiều cử tri tạm trú trên địa bàn là công nhân các tỉnh xa về làm việc, Bộ Nội vụ yêu cầu Sở Nội vụ Bình Dương tăng cường tuyên truyền cho công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương cần lập danh sách riêng 466.000 cử tri tạm trú một cách chặt chẽ nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cử tri đối với cuộc bầu cử.

Với các cử tri không có điều kiện tiếp xúc các ứng cử viên, cần tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực giới thiệu tiểu sử và chương trình hành động của ứng cử viên.

Kiên Giang đề nghị cho kết thúc bầu cử sớm hơn quy định (19h) đối với 25 khu vực bỏ phiếu của quân đội, đại diện Bộ Nội vụ hướng dẫn, cần làm đúng quy định của Luật bầu cử, các đơn vị quân đội có thể kết thúc bầu cử sớm so với quy định, nhưng vẫn phải sau 19h mới được tiến hành kiểm phiếu.

Một số vấn đề khác như bảo đảm nguồn điện, dự báo thời tiết và phòng ngừa mưa lũ cũng được đại diện các địa phương kiến nghị các bộ, ngành quan tâm, lưu ý.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Văn Pha cho biết, theo quy định có 3 hình thức vận động bầu cử là tiếp xúc cử tri tại nơi ứng cử, tiếp xúc cử tri tại nơi công tác và trả lời phỏng vấn chương trình hành động. Tuy nhiên, có một số ứng cử viên thực hiện vận động bầu cử ngoài 3 hình thức trên. Do đó, các địa phương cần lưu ý để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các ứng cử viên trong quá trình thực hiện vận động bầu cử.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, từ nay đến ngày bầu cử 22/5 cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; triển khai tập huấn kỹ lưỡng các thành viên tổ bầu cử; triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn cho ngày bầu cử; rà soát các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho cuộc bầu cử và tổ chức tốt việc khai mạc ngày bầu cử và kết thúc việc bỏ phiếu đúng thời gian luật định.

Nguồn www.chinhphu.vn