Nhà sàn Bác Hồ - nơi toả sáng một nhân cách lớn

"Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng niềm xúc cảm trước sự vĩ đại của một nhân cách văn hoá lớn đã trở thành huyền thoại ngay trong cuộc sống đời thường của mình".

Nhà sàn Bác Hồ

Đơn sơ và giản dị, nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch đã trở thành một biểu tượng của phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh, để lại ấn tượng sâu sắc trong hàng chục triệu trái tim đã từng đến thăm nơi này.

Sau 4 năm ở tạm trong một ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho phủ Toàn quyền Đông Dương cũ, tháng 5/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức chuyển sang ở ngôi nhà sàn bằng gỗ được xây dựng ở một góc vườn Phủ Chủ tịch.

Người thiết kế ngôi nhà sàn là Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, nguyên là kiến trúc sư cung đình Huế. Theo gợi ý của Bác, ngôi nhà được làm giống như nhà sàn Bác đã làm việc ở chiến khu Việt Bắc, nhỏ đủ ở một người và sao cho phù hợp với hoàn cảnh nước nhà.

Nhà được làm bằng gỗ thường, mái lợp ngói, nhìn ra hồ nước theo hướng Đông- Nam, với 3 phòng nhỏ. Tầng dưới nhà không thưng vách mà chỉ treo mành tre cho thoáng mát, chính giữa phòng kê một bộ bàn ghế lớn dùng làm nơi họp Bộ Chính trị, nơi Bác làm việc với các cán bộ đầu ngành hoặc tiếp đồng chí, bạn bè.

Tầng trên có 2 phòng nhỏ: phòng ngủ và phòng làm việc, chiếc giá sách đặt ở giữa làm vách ngăn 2 phòng. Bác Hồ chọn sống ở nhà sàn là mong muốn được hòa mình với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, sống giản dị, tiết kiệm, gần gũi với quần chúng nhân dân lao động.

Ngày 17/5/1958, ngôi nhà sàn được khánh thành. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức một buổi liên hoan nhỏ để cảm ơn Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh và những người tham gia thi công. Ông Mai Xuân Khiêm (ở xóm 2, xã Ỷ La, thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), người trực tiếp tham gia thi công nhà sàn, nhớ mãi về buổi liên hoan đó. Hôm khánh thành nhà sàn, ông được ngồi liên hoan với Bác, Bác nói chuyện với anh em thân mật như cha với con. Được Bác chia bánh kẹo, ông ăn không hết để bỏ túi mang về.

Trong ngôi nhà sàn Bác đã sống và làm việc trong 11 năm cuối đời, chỉ có những vật dụng rất đơn sơ: một chiếc bàn, giá sách, tủ quần áo, giường gỗ cá nhân, tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ, chai nước lọc. Điều này đã được nhà thơ Tố Hữu khắc hoạ trong trường ca "Theo chân Bác":

Nhà gác đơn sơ một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn

Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn...

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhà sàn Bác Hồ đã trở thành một di sản văn hoá quí giá, biểu trưng sinh động cho phong cách sống của một con người vĩ đại: thanh tao, khiêm tốn, yêu lao động, không ham danh lợi, đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người.

Kể từ khi Bác mất đến nay, đã có hơn 55 triệu lượt khách đến thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch, trong đó có gần 6 triệu lượt khách quốc tế. Mọi người đến thăm nhà sàn đều xúc động trước cuộc sống giản dị, mộc mạc, thanh cao của Bác.

Ngôi nhà sàn tại Phủ Chủ tịch tuy mộc mạc nhưng chứa đựng một tinh thần vô giá, đúng như những dòng cảm tưởng đầy xúc động của một vị khách quốc tế khi đến thăm Nhà sàn Bác Hồ: "Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng niềm xúc cảm trước sự vĩ đại của một nhân cách văn hoá lớn đã trở thành huyền thoại ngay trong cuộc sống đời thường của mình".

Nguồn www.chinhphu.vn