Tin kinh tế tổng hợp

* Giá vàng sáng 26/7 giảm 100.000 đồng/lượng

Cụ thể, lúc 8 giờ 48 phút, tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 56,8 - 57,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,8 - 57,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối tuần qua.

Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giữ nguyên giá vàng SJC so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 56,85 - 57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Sáng 26/7, tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 26/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.213 VND/USD, tăng 4 đồng so với cuối tuần qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.909 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.516 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại sáng 26/7, giá USD và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) biến động nhẹ.

Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank không đổi so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 22.880 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra).

Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.478 - 3.624 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 5 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua. 

* Đường sắt miễn tiền vé tàu với nhân viên y tế hỗ trợ miền Nam chống dịch

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, đường sắt sẽ vận chuyển miễn phí các đoàn y, bác sĩ vào các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch.

Ảnh minh họa/ TTXVN.

Đại diện lãnh đạo VNR chia sẻ, với mong muốn chung tay cùng cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, ngành đường sắt sẽ nhận vận chuyển miễn phí đối với các đoàn các y, bác sĩ được cử vào Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19. Theo đó, ngày 26/7, ngành đường sắt sẽ tổ chức vận chuyển miễn phí đoàn cán bộ y tế đầu tiên gồm 30 y, bác sĩ từ Hà Tĩnh vào Bình Dương tham gia chống dịch.

Liên quan đến việc tổ chức các đoàn tàu chuyên biệt đưa nhân dân từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê, đại diện lãnh đạo VNR cho hay, sau chuyến tàu đầu tiên vận chuyển hơn 700 khách trong tổng số 3.000 hành khách mà tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ngành đường sắt chở người dân Hà Tĩnh từ Tp. Hồ Chí Minh chở về quê hương, sắp tới VNR sẽ tiếp tục tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên biệt vận chuyển 400 hành khách là người dân tỉnh Quảng Trị và 320 hành khách là người dân Thừa Thiên Huế đang sinh sống, học tập và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh trở về địa phương.

* Đức cam kết hỗ trợ hơn 113,5 triệu Euro vốn ODA cho Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Phạm Hoàng Mai và Tổng Vụ trưởng Vụ Hợp tác với châu Á, Đông Nam Á, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức Gisela Hammerschmidt vừa ký kết Biên bản Kỳ họp đàm phán cấp Chính phủ về hợp tác phát triển Việt Nam - Đức năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, Đức cam kết hỗ trợ vốn vay ODA năm 2021 cho Việt Nam là 50 triệu Euro và vốn ODA không hoàn là 63,559 triệu Euro dành cho 14 dự án hỗ trợ kỹ thuật và dự án đầu tư.

Trong đó, dự án “Trung tâm dự báo và quản lý dịch bệnh” do Bộ Y tế Việt Nam đề xuất nhằm ứng phó khẩn cấp với đại dịch COVID-19 là 15 triệu Euro vốn ODA không hoàn lại đã được Chính phủ Đức cam kết.

Chính phủ Đức xác định Việt Nam là “Đối tác toàn cầu” trong hợp tác phát triển theo “Chiến lược BMZ 2030” mới. Trên cơ sở đó, phía Đức bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và ổn định kinh tế toàn cầu.

* Hàn Quốc ngừng nhà máy sản xuất xe có công suất hàng năm 300 ngàn chiếc

Kia Corp - nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai của Hàn Quốc - ngày 25/7 cho biết, nhà máy Sohari số 1 sẽ tạm ngừng hoạt động từ 26/7 do hàng chục công nhân đã bị nhiễm COVID-19 trong những ngày gần đây. Nhà máy này nằm ở Gwangmyeong, phía Nam thủ đô Seoul, có công suất hàng năm đạt 320.000 chiếc và chủ yếu sản xuất mẫu xe thể thao Stinger, xe sedan K9 và xe tải nhỏ Carnival. Vào tháng 5/2021, Kia đã phải tạm dừng hoạt động nhà máy Sohari số 2, nơi sản xuất loại xe SUV cỡ nhỏ Stonic trong hai ngày do tình trạng thiếu chất bán dẫn. Kia hiện có 8 nhà máy ở Hàn Quốc và 7 nhà máy ở nước ngoài.

* Anh bỏ quy định chứng nhận nhập khẩu rượu vang

Chính phủ Vương quốc Anh ngày 25/7 tuyên bố sẽ loại bỏ yêu cầu về chứng nhận nhập khẩu VI-1 đối với rượu vang nhằm giảm bớt các thủ tục quan liêu sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Động thái trên của chính phủ được đưa ra sau khi ngành rượu vang nước này cảnh báo thủ tục này có thể gây ra những thiệt hại lâu dài. Việc hủy bỏ chứng nhận VI-1 sẽ giúp người tiêu dùng Anh tiết kiệm khoảng 130 triệu bảng (hơn 178 triệu USD)/năm.

Chứng nhận nhập khẩu VI-1 được EU áp dụng nhằm bảo vệ các nhà sản xuất rượu lớn trong khối khỏi nhập khẩu rượu từ nước thứ ba như Australia (Ôx-trây-li-a), Nam Phi và Argentina (Ác-hen-ti-na). Tuy nhiên, xuất nhập khẩu rượu vang giữa Anh và EU đã gặp khó khi London tuyên bố sẽ áp dụng chứng nhận VI-1 sau khi rời EU. Điều này khiến tăng chi phí và thủ tục đối với rượu vang nhập khẩu từ Pháp, Italy (I-ta-li-a) và Tây Ban Nha vào Anh, gây nên những thiệt hại kinh tế.

EU cung cấp khoảng một nửa trong số 4,4 tỷ USD rượu vang nhập khẩu vào Anh mỗi năm. Chính phủ Anh trước đó cho rằng chi phí sau Brexit sẽ chỉ khiến giá bán lẻ rượu vang nhập khẩu tăng trung bình 10 xu Anh (0,14 USD)/chai. Trên thực tế, để đạt chứng nhận VI-1, các nhà nhập khẩu rượu vang ngon phải tăng chi phí rất nhiều do buộc phải mở các chai rượu quý hiếm hoặc đắt tiền để lấy mẫu kiểm tra chất lượng, mà sau đó không thể bán lại được.

* Nhập khẩu vàng của Ấn Độ gia tăng

Hãng PTI trích nguồn tin của Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết, nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã tăng lên 7,9 tỷ USD trong quý I của năm tài chính hiện nay (từ tháng 4-6/2021). Trước đó, nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã giảm xuống 688 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu vàng tăng đáng kể đã dẫn đến thâm hụt thương mại của Ấn Độ tăng lên khoảng 31 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4-6/2021. Theo các nguồn tin tại New Delhi, Ấn Độ là nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, chủ yếu phục vụ nhu cầu của ngành trang sức. Về khối lượng, nước này nhập khẩu 800-900 tấn vàng hàng năm.

Trong khi đó, xuất khẩu đá quý và đồ trang sức của Ấn Độ đã tăng lên 9,1 tỷ USD trong ba tháng đầu tiên của năm tài chính hiện tại, so với 2,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nhập khẩu bạc của Ấn Độ trong giai đoạn này giảm 93,7% xuống 39,4 triệu USD.