Tăng cường công tác quản lý thị trường trong mùa dịch COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để ổn định thị trường, bảo đảm hàng hóa cung ứng tốt trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán.

Ông Trần Minh Khoa, quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Những ngày qua, tại một số tỉnh, thành phố do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã kéo theo sự gia tăng về nhu cầu mua sắm một số hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Tại tỉnh ta, tính đến nay tuy chưa phát hiện ca nhiễm dịch, nhưng để góp phần ổn định “cung - cầu” trên thị trường, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Cục QLTT đã triển khai hai nhiệm vụ: Vừa kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, vừa tập trung phòng dịch. Bố trí lực lượng tổ chức trực đường dây nóng tiếp nhận xử lý kịp thời các phản ánh của Nhân dân và thông tin đường dây nóng về các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để mua gom hàng hóa, đầu cơ tăng giá bất hợp lý với mục đích trục lợi đối với các mặt hàng vật tư y tế và các mặt hàng thiết yếu khác.

Mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng việc mua sắm hàng hóa của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Hiện nay các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống siêu thị, các chợ khá dồi dào, không có hiện tượng người dân mua gom hàng hóa để tích trữ. Các siêu thị đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa 30-50%. Bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Phó Giám đốc phụ trách Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch nên lượng khách hàng mua sắm tại siêu thị cũng giảm đáng kể, so với trước dịch giảm khoảng 600 lượt khách/ngày. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chuẩn bị kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ bà con nếu dịch bùng phát, hiện đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng gấp đôi, như 50 tấn gạo, 30.000 thùng mỳ tôm. Đặc biệt, đơn vị cũng chuẩn bị dự phòng 5.000 hộp khẩu trang và 30.000 chai nước rửa tay khử khuẩn đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hàng hóa thiết yếu tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà
trong mùa dịch COVID-19.

Siêu thị Vinmart cũng đã chủ động dự trữ 4 tấn gạo, hơn 15.000 thùng mỳ tôm và một lượng lớn khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn. Bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc Siêu thị Vinmart, cho biết: Toàn bộ kho hàng của hệ thống đã chuẩn bị hàng hóa, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ tôm, thịt, gia vị… đang được cung cấp bày bán trong hệ thống với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chỉ tính trong tháng 5, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 112 vụ, tăng 261% so cùng kỳ, số vụ xử lý 14 vụ, tăng 600% so cùng kỳ, với tổng số tiền thu phạt 37,8 triệu đồng, tăng 358% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, các đội QLTT trực thuộc tổ chức tuyên truyền ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với 60 cơ sở kinh doanh; tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho 89 lượt cơ sở kinh doanh và ký cam kết đối với 5 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát kết hợp với công tác tuyên truyền đã có những tác động tích cực đến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng.

Dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, chính vì vậy, trong thời gian tới lực lượng QLTT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư y tế, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bán quá mức, bán không đúng giá niêm yết và kinh doanh hàng không chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.