Kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021) và 1981 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Phát huy vai trò phụ nữ trong tình hình mới

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Ninh Thuận nói riêng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Ngay từ ngày đầu sơ khai lập nước, khi bị ngoại bang xâm lược, bà Trưng bà Triệu đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù. Cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biết bao tấm gương phụ nữ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, cống hiến không chỉ cuộc đời mình mà cả con em cho độc lập tự do của Tổ quốc được sách sử ghi danh. Khi đất nước thống nhất, đặc biệt bước vào thời kỳ đổi mới, phụ nữ tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, phấn đấu, nỗ lực, không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ, chuyên môn, tay nghề, phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt thiên chức của người PN, trách nhiệm đối với xã hội, xứng đáng là những người PN hiện đại trong tình hình mới.

Nữ y, bác sỹ của Trung tâm Y tế Thuận Bắc ứng dụng trang thiết bị hiện đại vào chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Ảnh: V.M

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đề ra nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho PN phát huy vai trò, vị thế, cống hiến trên các lĩnh vực. Đặc biệt, sau hơn 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2011-2020, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên phạm vi toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh nhằm đạt mục tiêu: “Đến năm 2020 cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền; lồng ghép Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ PN với các phong trào thi đua, giúp chị em nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, phấn đấu nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Điển hình trong số đó có các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức, lao động; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo” và hai cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, gắn với đầy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp Hội Phụ nữ…

Để giúp chị em ngày càng nâng cao năng lực, đảm nhận các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, bổ sung vào nguồn quy hoạch cán bộ của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, vai trò của PN trong tham gia chính trị; thực hiện các quy định của pháp luật về công tác cán bộ nữ... Trong nhiệm kỳ 2020-2025, bám sát tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 182-KH/TU của Tỉnh ủy, các cấp Hội Phụ nữ đã rà soát, nắm tình hình tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 để tham mưu, đề xuất với cấp ủy tăng cường quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí sắp xếp tỷ lệ cấp ủy viên nữ vào các vị trí phù hợp với năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ nữ. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chính quyền các cấp, lãnh đạo cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đều tăng qua các nhiệm kỳ.

Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; sự tiếp cận của PN nghèo ở nông thôn, PN người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động cũng không ngừng được cải thiện. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số lao động nữ được giải quyết việc làm chiếm trên 50% lao động được giải quyết việc làm. Số doanh nghiệp do nữ làm chủ hiện đạt 21,6%; lao động nữ được dạy nghề đạt trên 51% tổng số lao động được đào tạo nghề; 100% PN ở vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng.

 

Phụ nữ tích cực tham gia vào dây chuyền sản xuất tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Văn Nỷ

Ngoài ra, PN và trẻ em cũng ngày càng được quan tâm, tiếp cận tốt với các chính sách ưu đãi trên lĩnh vực đời sống xã hội: giáo dục và đào tạo, y tế… Hiện tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 đạt 95%. Nam và nữ được bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế, thụ hưởng văn hóa…

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ PN. Trong đó, tập trung các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và các hoạt động truyền thông trong cộng đồng về bình đẳng giới, trọng tâm là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác PN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan tâm đến công tác đào tạo, tạo điều kiện cho tất cả nữ công chức, viên chức và người lao động được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc để hoàn thành tốt công tác được giao. Chú trọng quy hoạch, bố trí cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo bảo đảm đúng quy trình, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ PN, nhất là PN vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các chính sách về giáo dục, y tế, phát triển kinh tế. Tăng cường công tác phối hợp giải quyết các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới… Qua đó, giúp PN ngày càng phát huy tốt vai trò, vị thế trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.