Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm

Cuối năm là thời điểm hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại diễn ra rất phức tạp với những thủ đoạn tinh vi gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Do đó, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng cần nâng cao năng lực, tăng cường các biện pháp phòng, chống.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến

Càng về cuối năm, hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng cấm và các hành vi gian lận thương mại càng diễn biến phức tạp ở nhiều tuyến, nhiều địa bàn trên cả nước. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, chuyển địa điểm tập kết hàng hóa, thời gian vận chuyển… gây khó khăn cho công tác kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý hàng hóa nhập lậu. Đáng lo ngại, theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong nội địa đang xuất hiện tình trạng thương mại điện tử, và từ thương mại điện tử có một nhóm đối tượng lợi dụng và đưa vào hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Về nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, tâm lý người tiêu dùng ham mua hàng rẻ cũng chính là một trong những nguyên nhân cổ súy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển. Hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay đã xuất hiện ở mọi phân khúc, mọi vùng miền, từ các chợ vùng sâu vùng xa cho đến các cửa hàng, siêu thị ở các thành phố lớn.

Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, hàng điện tử điện lạnh cũ, dược phẩm, thược phẩm chức năng..., đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo trên, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp đẩy nhanh tiến độ thanh tra kiểm tra, đặc biệt chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ...

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên trên tất cả các tuyến. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng cấm như: ma túy, vũ khí, pháo nổ, thực phẩm, hàng có thuế suất cao, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam...; hàng hóa kém chất lượng như xăng dầu, thuốc lá, phân bón, rượu, bia, hàng bách hóa tiêu dùng, khẩu trang y tế và các thiết bị phục vụ chống dịch...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác 399 với thành phần tổ công tác bao gồm ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - Tổ trưởng tổ công tác 399 và đại diện các cơ quan chức năng liên quan để tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Năm 2020 xử lý hơn 185.000 vụ việc vi phạm

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm 2020, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp trên mọi trận tuyến. Trên tuyến biên giới phía Bắc, trọng điểm là địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang... lợi dụng biên giới có nhiều đường mòn, lối mở, các đối tượng vận chuyển trái phép các mặt hàng, như: hàng bách hóa tiêu dùng, vật liệu xây dựng, đồ điện tử.... Trong khi đó, trên tuyến biên giới miền Trung, trọng điểm là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép chủ yếu là các mặt hàng: rượu, bia, nước giải khát, động vật hoang dã và ma túy. Trên tuyến biên giới Tây Nam Bộ, trọng điểm là các tỉnh: An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang... các đối tượng buôn bán, vận chuyển chủ yếu vẫn là các mặt hàng như: thuốc lá, đường cát, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng…

Tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép cũng diễn biến phức tạp tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế. Trong đó, các cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng; các bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn… là tâm điểm của các vi phạm.

Cùng đó, trên các tuyến đường biển, cảng biển, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng, như: xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra phức tạp, trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, biển miền Trung và vùng biển phía Nam. Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp, có chiểu hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã đạt kết quả tích cực, nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt phá. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 185.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 25.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019, khởi tố 2.543 vụ án, với hơn 3.502 đối tượng.

Trong đó, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, xử lý 16.750 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 1.974,2 tỷ đồng. Tổng cục Thuế đã phát hiện, xử lý 80.392 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 21.638 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Quốc phòng đã phát hiện 2.063 vụ vi phạm, xử phạt 18,8 tỷ đồng; Cảnh sát biển phát hiện, xử lý 273 vụ, xử phạt hơn 300 tỷ đồng; Tổng cục Quản lý thị trường xử lý 66.000 vụ vi phạm, thu ngân sách nhà nước hơn 352 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 136 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm hơn 392 tỷ đồng; Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công an phát hiện, xử lý 20.550 vụ vi phạm, thu hồi hơn 419 tỷ đồng…

Đặc biệt, trong năm 2020 các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất kinh doanh các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và các địa phương, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Theo TTXVN