Hoạt động tín dụng, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Kết thúc năm 2020, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là “khó khăn kép” vừa bị hạn, vừa bị tác động của đại dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của hệ thống ngân hàng trong tỉnh, hoạt động tín dụng vẫn ổn định, đảm bảo an toàn và tăng trưởng, qua đó tạo động lực cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp chung vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Theo đánh giá của Ban Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh (NHNN), điểm ghi nhận trong năm 2020 đó là, hệ thống ngân hàng trong tỉnh đã đồng hành cùng những khó khăn và thách thức chung của tỉnh trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tích cực phòng chống đại dịch COVID-19 và ứng phó hiệu quả với hạn, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. NHNN tỉnh đã tổ chức triển khai, quán triệt đến các tổ chức tín dụng (TCTD) các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành trong năm 2020. Kịp thời chỉ đạo các TCTD trên địa bàn xây dựng kế hoạch với giải pháp thực hiện cụ thể nhằm đảm bảo đạt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra về tăng trưởng huy động vốn, đầu tư tín dụng và kiểm soát nợ xấu phù hợp với định hướng chung của ngành.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Về công tác huy động vốn, theo ước tính của NHNN tỉnh, đến cuối tháng 12-2020, các TCTD huy động nguồn vốn đạt 16.900 tỷ đồng, tăng 1.252 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm trước, đáp ứng khoảng 58,3% nguồn vốn cho vay của các thành phần kinh tế trên địa bàn. NHNN tỉnh cũng đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam, các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp cho vay, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để ổn định sản xuất, kinh doanh. Qua con số thống kê, đến cuối năm 2020, tổng doanh số cho vay ước đạt 45.800 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng, tăng 0,05% so với năm 2019. Công tác thu nợ cũng được tập trung thực hiện tốt. Đến nay tổng doanh số thu nợ ước đạt 41.348 tỷ đồng, trong đó, doanh số thu nợ ngắn hạn được 36.772 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 88,93%, doanh số thu nợ trung-dài hạn được 4.576 tỷ đồng, chiếm 11,07%.

Ngoài ra, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm, góp phần tạo động lực cho các ngành, địa phương ổn định và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Về đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tính đến cuối năm, doanh số cho vay ước đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019; cho vay theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với 47 xã, với dư nợ khoảng 6.000 tỷ đồng, tăng 188 tỷ đồng so với năm 2019; chiếm 20,7% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh. Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 4.538 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ được quan tâm đầu tư. Đến cuối năm, dư nợ còn 382 tỷ đồng/43 tàu cá; cho vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản, với doanh số đạt gần 26 tỷ đồng, doanh số thu nợ 23,79 tỷ đồng, dư nợ chỉ còn 1,48 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 đã có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xuất khẩu; vận tải; kho bãi; giáo dục; dịch vụ- du lịch, lưu trú, nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí,... Các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 280 khách hàng, với dư nợ 344 tỷ đồng, trong đó khách hàng là doanh nghiệp 182 tỷ đồng/42 khách hàng; hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân 162 tỷ đồng/238 khách hàng; số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 134 tỷ đồng/151 khách hàng. Đến cuối năm, qua tổng hợp có 1.215 doanh nghiệp trên địa ban tỉnh vay vốn, với dư nợ đạt 10.050 tỷ đồng, tăng 1.760 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2019, qua đó góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp ổn định và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Công Thương - Chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: Phan Bình

Trong năm 2020 NHNN tỉnh còn tập trung theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các TCTD và phối hợp với các sở, ngành triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo Chỉ thị 11/CT-UBND ngày 2-7-2019 của UBND tỉnh. Chỉ đạo các TCTD tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán và tình hình nợ xấu cũng được cải thiện đáng kễ. Tính đến cuối năm, tổng nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chỉ còn 160 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,55% trong tổng dư nợ, giảm 0,11% so với tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2019.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, cho biết: Để tiếp tục ổn định và phát triển chất lượng hoạt động tín dụng, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong năm 2021, hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các giải pháp huy động vốn tại chỗ trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất của NHNN; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho phát triển kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính Phủ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chiều sâu gắn với triển khai các cơ chế chính sách, tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm và có thế mạnh của tỉnh…Với những giải pháp chủ yêu nêu trên, toàn ngành phấn đấu huy động vốn tăng tối thiểu 12%; đầu tư tín dụng tăng 15- 17%, với lãi suất hợp lý; cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng của ngành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, góp phần tạo động lực cho nền kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.