Sở Kế hoạch và Đầu tư: Nâng cao chất lượng tham mưu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Năm 2020, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã hoàn thành xuất sắc các nội dung công việc được giao, đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Trong năm 2020, Sở đã tham mưu hơn 3.800 văn bản, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; các kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết các cấp và xây dựng các báo cáo chuyên đề; kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh về đầu tư phát triển năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyên ngành thu hút đầu tư các thành phần kinh tế; quản lý doanh nghiệp (DN), kinh tế tập thể và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng được sự hỗ trợ của tỉnh, sự nỗ lực của DN, tình hình phát triển DN được duy trì, nhất là sau nới lỏng giãn cách xã hội, số DN đăng ký thành lập mới tăng khá. Tính đến cuối tháng 11, Sở KH&ĐT đã tiếp nhận, giải quyết 4.455 hồ sơ, tăng 24,4% so với cùng kỳ, trong đó có 607 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 4.738 tỷ đồng, tăng 25,4% số DN và tăng 18% vốn so với cùng kỳ; nâng tổng số DN đang hoạt động lên 3.633 DN với tổng vốn 63.291 tỷ đồng. Đồng thời, có 150 DN đăng ký bổ sung vốn điều lệ, tăng thêm trên 12.250 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với năm 2019.

Công tác hỗ trợ DN tiếp tục được quan tâm, theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19; duy trì tổ chức gặp mặt DN, hỗ trợ tạo điều kiện DN khởi nghiệp sáng tạo. Qua đánh giá về mức độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, kết quả chỉ số PCI của tỉnh tăng 6 bậc và 2,68 điểm so với năm trước; công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm triển khai đồng bộ, quyết liệt, qua đó, giải quyết kịp thời các hồ sơ thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, đấu thầu, đầu tư. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động điều hành giải quyết công việc theo hệ thống văn phòng điện tử (TD-Office), ứng dụng chữ ký số và dịch vụ công mức độ 3,4 trong xử lý các thủ tục hành chính, nhất là đăng ký DN qua mạng và trả kết quả qua đường bưu điện được triển khai mạnh mẽ, dần nâng cao hiệu quả.

Thông qua các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư vào tỉnh, năm qua đã thu hút thêm nhiều DN tới đầu tư tại địa phương; đến nay UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 24 dự án, có tổng mức đầu tư trên 21.226 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương về địa điểm cho 3 dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 47 dự án với tổng vốn tăng thêm gần 9.000 tỷ đồng.

Năm 2021 là năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, quy hoạch 10 năm thời kỳ 2021-2030, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp trong lĩnh vực KH&ĐT, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, Sở KH&ĐT tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cho công tác quy hoạch, tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt và thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời, tập trung tham mưu UBND tỉnh phân bổ kịp thời các nguồn vốn, tạo thuận lợi cho các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện và giải ngân. Đặc biệt là tiếp tục tham mưu triển khai Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023; trong đó có đề án ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết thêm: Để tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn lực đầu tư, trong thời gian tới, ngành sẽ chủ động và tích cực thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đăng ký DN, tạo điều kiện phát triển DN tư nhân; hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư.