Các địa phương tập trung ứng phó bão số 12 và mưa lũ trên địa bàn tỉnh

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Thuận, đến 12 giờ, ngày 10-11, bão số 12 đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp.

Để ứng phó với bão số 12, tình hình mưa lũ do hoàn lưu bão số 12 gây ra, tỉnh đang huy động toàn lực, toàn hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động ứng phó với bão; phòng tránh lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, triều cường, sóng lớn vùng ven biển... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản nhân dân và nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Trước diễn biến tình hình của bão số 12, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị tập trung cao độ với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt; nắm chắc tình hình, triển khai có hiệu quả công tác ứng phó bão số 12 và mưa lũ trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tại Công điện số 36/CĐ-TW ngày 8-11-2020; Công điện số 4047/CĐ-UBND của UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 12 giờ ngày 9-11; thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão theo quy định. Cụ thể, đến 19 giờ, ngày 9-11, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh là 2.517 chiếc/15.018 lao động đều liên lạc được với Đồn Biên phòng khu vực để tiếp nhận thông tin. Trong đó tàu thuyền đang hoạt động trên biển 399 chiếc/3.725 lao động; tàu thuyền neo đậu tại các bến, cảng của tỉnh 2.118 chiếc/11.293 người; tàu thuyền ngoài tỉnh neo đậu tại Ninh Thuận 112 chiếc/315 người được tổ chức sắp xếp, neo đậu hợp lý, tránh va đập. Ngoài ra, phương tiện thủy nội địa 93 chiếc, lồng bè nuôi trồng thủy sản 273/4.642 lồng cũng đã được kiểm đến, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản trước 19 giờ 00 phút ngày 9-11-2020.

Các ngư dân chằng cột neo đậu tàu thuyền tại cảng Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: X.Bính

Tỉnh cũng đã chỉ đạo Công ty TNHH-MTV Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra hồ, đập và lên các phương án vận hành trong mưa bão. Thống kê nhanh, đến ngày 9-11, tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 97,58 triệu m3/194,49 triệu m3 đạt 50,17%, ngoại trừ một số hồ Tân Giang, Trà Co Núi Một, Cho Mo, Ma Trai, các hồ khác dung tích ở mức thấp. Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi; Chi cục Thủy lợi tiếp tục theo dõi, tổ chức và vận hành hồ chứa thủy lợi đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết, kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các khu vực trọng điểm như đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai ven biển, đặc biệt là các vị trí bị hư hỏng, do mưa lũ vừa qua để kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại.

* Tại các địa phương, UBND các huyện, thành phố chuẩn bị sẵn sàng vận hành công trình tiêu thoát nước khi có mưa lớn để bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng khu vực đô thị; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhất là các khu vực chăn nuôi tập trung.

Các địa phương cũng dự kiến công tác di dời khi có bão, lũ xảy ra. Cụ thể, UBND huyện Ninh Hải có kế hoạch di dời 667 hộ/2.662 nhân khẩu; chú trọng di dời dân các địa phương ven biển 264 hộ/937 nhân khẩu (Khánh Hải, Tri Hải, Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải), di dời về nhà người thân có nhà kiên cố, trường học, ban quản lý các thôn, khu phố.

Chiến sĩ Bộ đội biên phòng trạm Ninh Chữ tuyên truyền ngư dân neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão số 12 an toàn. Ảnh: Văn Nỷ

* Đối với huyện Ninh Sơn đã xác định 7 khu vực trọng điểm cần được ưu tiên cứu nạn, cứu hộ khi lũ lụt xảy ra do ảnh hưởng của bão số 12, với 848 hộ/2.580 nhân khẩu. Trong đó chú trọng địa bàn xã Lâm Sơn, tại khu vực đèo Ngoạn Mục có 6 hộ/18 nhân khẩu, khu vực thôn Tầm Ngân 1 và 2, gồm 65 hộ/175 nhân khẩu; khu vực xóm Cát 18 hộ/75 nhân khẩu; xóm Mới-Lâm Bình 12 hộ/58 nhân khẩu; khu suối Gia Chiêu 9 hộ/36 nhân khẩu. Địa bàn xã Mỹ Sơn, khu vực đèo Cậu thôn Phú Thủy di dời về Trường Tiểu học Mỹ Sơn A, với 111 hộ/470 khẩu. Địa bàn xã Nhơn Sơn, sơ tán tại chỗ 123 hộ/282 nhân khẩu và sơ tán tập trung 58 hộ/150 nhân khẩu. Địa bàn các thôn tại xã Ma Nới như: Thôn Ú 10 hộ/39 nhân khẩu, thôn Do 17hộ/50 nhân khẩu, thôn Gia Rót 8 hộ/23 nhân khẩu, Hà Dài 15 hộ/44 nhân khẩu, Gia Hoa 11 hộ/43 nhân khẩu và Tà Nôi 13 hộ/45 nhân khẩu. Các khu vực khác còn lại ở các địa phương có dân cư gần các sông, suối chú ý chủ động sơ tán di dời dân lên các khu vực cao, an toàn tránh lũ quét, sạt lở đất, đá. UBND huyện huy động 5 doanh nghiệp xây dựng để trưng dụng các phương tiện chuyên dùng sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Đối với các hồ chứa, đập dâng, mức nước đang ở mức thấp nên không ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hồ đập, tuy nhiên cán bộ vẫn luôn túc trực nghiêm túc để theo dõi, kiểm tra.

* Cùng với các địa phương khác, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đã khẩn trương triển khai các giải pháp để ứng phó cơn bão số 12 và tình hình mưa lũ trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân. UBND thành phố chỉ đạo các địa phương, nhất là địa phương ven biển vận động nhân dân chằng chống nhà cửa. Theo báo cáo, tổng số tàu thuyền của người dân trên địa bàn là 423 chiếc/3.115 lao động; 100% đã được neo đậu an toàn. Trong đó có 405 chiếc/3.922 lao động neo đậu tại Cảng Đông Hải; số còn lại neo đậu tại các địa phương: Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng…. Địa phương cũng đã di chuyển 64 lồng bè tới khu vực quy hoạch nuôi thủy sản C1 và C2 thuộc huyện Ninh Hải; 37 lồng bè còn lại đang hoạt động tại khu vực biển Bình Sơn thuộc phường Đông Hải cũng đã được vận động không để lao động nào trên bè. Thành phố đã lên phương án di dời, sơ tán gần 5.000 hộ dân trong trường hợp có bão đổ bộ hoặc lũ quét. Ngoài ra, cũng đã chỉ đạo các đơn vị công ích rong, chặt hạ nhánh các cây có nguy cơ ngã đổ; bố trí lực lượng, phương tiện thường xuyên khơi thông miệng hố thu tại các vị trí thường xuyên ngập úng; triển khai kiểm tra các pa nô, khẩu hiệu, khắc phục hư hỏng bảo đảm an toàn cho nhân dân…

* Tại huyện miền núi Bác Ái, từ chiều ngày 9-11, lãnh đạo huyện cử các đoàn kiểm tra tại các địa điểm xung yếu như tuyến đường thường xuyên sạt lở: Phước Hòa-Phước Bình, dọc Quốc lộ 27B,...để chỉ đạo phòng, chống kịp thời. BCH phòng chống thiên tai huyện và các xã tổ chức trực ban 24/24 giờ, duy trì lực lượng xung kích tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu. UBND các xã đã thông báo kịp thời cho người dân có chòi rẫy dọc các sông suối, vùng trũng thấp, vùng hạ du các hồ chứa di chuyển về nhà tại khu dân cư. Tại xã Phước Hòa có biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm trên tuyến đường Phước Hòa-Phước Bình...

* Đến 10 giờ, ngày 10- 11, huyện Thuận Nam có 742 trong tổng số 1.040 tàu thuyền trên địa bàn huyện đã vào neo đậu an toàn tại các cảng trong tỉnh, 298 tàu thuyền neo đậu tại các cảng, luồng lạch các tỉnh phía nam; 12 bè/194 lồng/14 hộ đã được vận động chằng chống đảm bảo an toàn, 32 lao động trên các lồng bè được đưa lên bờ để tránh trú bão; 450 căn nhà tại các xã Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná được chằng chống. Các xã Phước Minh, Phước Nam và Phước Hà đã di dời 54 hộ dân/161 nhân khẩu tại các vùng trũng, thấp đến các nhà kiên cố trong khu vực ở tạm. Trước đó, UBND huyện Thuận Nam cũng đã lên kế hoạch di dời khoảng 991 hộ/4.078 nhân khẩu tại các vùng ven biển, nơi hứng chịu trực tiếp khi bão đi vào và các vùng núi, trũng thấp, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thống kê số lượng khách du lịch đang dừng chân, nghỉ dưỡng tại các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn huyện để hướng dẫn và yêu cầu du khách tuân thủ nghiêm các nội dung phòng, chống bão số 12.

Xã Phước Dinh huy động người và phương tiện nạo vét và kéo thuyền vào neo đậu an toàn. Ảnh: Ngọc Diệp

* Tại huyện Thuận Bắc, lãnh đạo địa phương yêu cầu tất cả các phòng, ban và các xã xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, tổ chức triển khai có hiệu quả phương án ứng phó theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Qua báo cáo, đến ngày 10-11, lượng nước hồ sông Trâu tích trữ trên 7,7 triệu m3, hồ Bà Râu 1.568 triệu m3; mặc dù hiện nay tình hình mưa không lớn, Trạm Thủy nông đã chuẩn bị đầy đủ các vật tư thiết yếu, UBND các xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động xử lý tình huống khi trường hợp xả lũ xuống vùng hạ du. Đồng thời, thành lập 3 tổ để kiểm tra đôn đốc các địa phương triển khai phương án di dời dân tại các vùng xung yếu khi cần thiết, cắm biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, bố trí khu vực tiếp nhận người dân đến trú ẩn khi xảy ra bão lũ. Bên cạnh đó, tổ chức hỗ trợ, cấp phát 250 m dây thừng, phát 1.700 bao cát gia cố tại các trường học và vùng xung yếu tại xã Bắc Phong, 300 phao tròn, 1 cuộn dây thừng cho xã Bắc Sơn… Đặc biệt, đối với những xã thuộc khu vực miền núi thường hay xảy ra tình trạng sạt lở, chính quyền địa phương đã kịp thời bố trí người túc trực 24/24 giờ. Ông Chamaléa Biên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Kháng, cho biết: Địa phương phân công lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên chốt chặn tại các tuyến đường có nguy cơ sạt lở đất đá do mưa lũ như đoạn bờ tràn đi qua thôn Đá Liệt, Suối Le và khu vực người dân sinh sống gần hồ Bà Râu để cấm người qua lại, chủ động sơ tán dân khi cần thiết. Đối với khu vực thôn Bình Tiên, xã Công Hải, huyện đã liên lạc, kêu gọi toàn bộ 23 tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn, vận động người dân chằng chống lồng bè nuôi trồng thủy sản, tất cả lao động về bờ tránh bão an toàn.